Sớm thay đổi cách tiếp cận

Cách làm cũ đã không còn phù hợp, lúc này chúng ta cần phải có sự thay đổi cách tiếp cận trong xây dựng và thực thi chính sách liên quan đến bình đẳng giới (BĐG). Theo đó, cần chuyển từ việc “bảo vệ lao động nữ” sang tầm nhìn rộng hơn - “thúc đẩy BĐG”. Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ, TB và XH) Đào Ngọc Dung đã chia sẻ thẳng thắn như vậy trong cuộc trao đổi về các giải pháp thúc đẩy BĐG tại Việt Nam với phóng viên Nhân Dân cuối tuần.

Sớm thay đổi cách tiếp cận

- Thưa ông, Việt Nam là một trong số những nước đã sớm quan tâm đến việc xây dựng khuôn khổ pháp lý cho vấn đề BĐG. Ông có thể đánh giá ngắn gọn về việc thực hiện mục tiêu BĐG trong điều kiện của Việt Nam hiện nay?

- Có thể nói BĐG và vì sự tiến bộ của phụ nữ đã được Đảng và Nhà nước rất quan tâm. Cụ thể, vấn đề này đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1946 và tiếp tục sửa đổi, bổ sung theo hướng bảo đảm BĐG trên thực tế. Năm 2006, Quốc hội Việt Nam khóa XI đã thông qua Luật Bình đẳng giới, quy định các nguyên tắc, nội dung và các biện pháp bảo đảm BĐG, và chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Chính phủ đã ban hành Chương trình quốc gia về BĐG giai đoạn 2011-2015, Chiến lược quốc gia về BĐG giai đoạn 2011-2020 và Chương trình hành động giai đoạn 2016-2020...

Ngoài ra, Việt Nam còn tích cực tham gia các Công ước quốc tế liên quan đến quyền con người như Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW), Công ước về quyền chính trị của phụ nữ, Tuyên bố Thiên niên kỷ và Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững... Vì thế, trong việc thực hiện mục tiêu BĐG, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ, các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong 20 năm qua. Tình trạng bất BĐG của Việt Nam đã được cải thiện nhanh, thể hiện ở các chỉ số phát triển giới (GDI), chỉ số khoảng cách giới (GGI) và chỉ số BĐG (GII) đều ở mức trung bình cao trong các quốc gia tham gia xếp hạng...

- Một quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong 20 năm qua, đó quả là một nỗ lực đáng kể. Tuy nhiên, vẫn còn những vấn đề vướng mắc về BĐG trong lĩnh vực lao động và gia đình, thưa ông?

- Đúng vậy, không khó để đưa ra những thí dụ như: Trong lao động, quyền bình đẳng của lao động nam và lao động nữ trong việc thực hiện chức năng sinh sản và nuôi con nhỏ phù hợp với đặc điểm giới tính (Điều 159 Bộ luật Lao động (BLLĐ) năm 2012), bao gồm cả quyền của người lao động (NLĐ) tự quyết định làm các công việc có ảnh hưởng đến chức năng sinh sản và nuôi con nhỏ (Điều 160), chưa được xác lập đầy đủ trong BLLĐ năm 2012; quy định tuổi nghỉ hưu nam, nữ chênh lệch nhau, quy định danh mục các nghề, công việc không được sử dụng lao động nữ...

Quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động và Nhà nước trong việc tổ chức nhà trẻ và hỗ trợ chi phí gửi trẻ của NLĐ (Điều 153, khoản 4, khoản 6; Điều 154 khoản 4 BLLĐ năm 2012) chưa thật hợp lý, tính khả thi thấp, quyền lợi của người sử dụng lao động khi thực hiện các biện pháp bảo đảm, thúc đẩy BĐG trong lao động chưa được tính đến đầy đủ, thủ tục hành chính để được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước còn phức tạp, thiếu linh hoạt, chưa phù hợp với điều kiện thực tế.

Còn trong gia đình, đó là khoảng cách về thời gian làm việc không được trả công (làm việc gia đình) của lao động nữ và lao động nam ở Việt Nam vẫn còn cao (125 phút/ngày), cần phải rút ngắn xuống. Tình trạng bạo lực trên cơ sở giới vẫn còn cao, cần tiếp tục có sự can thiệp, hỗ trợ tích cực từ phía Nhà nước.

- Ông có đưa ra quan điểm về việc cần phải thay đổi cách tiếp cận trong thực thi BĐG để phù hợp với những biến chuyển hiện nay. Xin ông có thể nói rõ hơn về cách tiếp cận mới? - Chúng ta thấy rõ rằng, luật pháp lao động của chúng ta là bảo đảm và thúc đẩy BĐG. Nhưng hiện vẫn còn một số hạn chế như đã nói, điều đó đòi hỏi cần tiếp tục khắc phục. Về phía bộ, chúng tôi đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo tham vấn chính sách để thúc đẩy BĐG trong BLLĐ.

Trong điều kiện mới của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, cách khắc phục hạn chế là chúng ta thay đổi cách tiếp cận từ “bảo vệ lao động nữ” đã cũ sang cách tiếp cận mới là “thúc đẩy BĐG”. Đó là cách thức để giảm bớt gánh nặng công việc nội trợ và chăm sóc không lương đối với phụ nữ, giúp xóa bỏ định kiến giới trong thị trường lao động về công việc phù hợp với giới tính.

Cũng cần khuyến khích đào tạo nghề nghiệp để mở rộng cơ hội việc làm cho lao động nữ trong các lĩnh vực nam giới vẫn đang chiếm ưu thế như khoa học, công nghệ, kỹ thuật… trong bối cảnh CMCN 4.0. Hỗ trợ lao động nữ dân tộc thiểu số (DTTS) trung tuổi nâng cao chất lượng việc làm trong nông nghiệp. Đồng thời hỗ trợ lao động nữ DTTS trẻ, có trình độ chuyên môn kỹ thuật chuyển dịch việc làm ra khỏi khu vực nông nghiệp truyền thống.

Tiếp đó, cần ưu đãi, khuyến khích DN chia sẻ trách nhiệm về nhà trẻ, lớp mẫu giáo cho con em NLĐ, bao gồm cả những ưu đãi nhằm khuyến khích DN xây dựng nhà trẻ, hoặc hỗ trợ NLĐ có con đang trong thời gian gửi trẻ, bình đẳng cho cả lao động nam hay lao động nữ, thay vì như hiện nay chỉ quy định cho lao động nữ.

Về phía DN cũng cần chủ động và tích cực trong việc thực hiện những chính sách này. Xác định những chi phí này chính là những chi phí cho đầu tư, phát triển - là những chi phí mang lại lợi ích bền vững và lâu dài chứ không phải là những gánh nặng làm giảm khả năng cạnh tranh của DN.

- Xin cảm ơn ông!