Quanh chuyện lương tối thiểu

Hội đồng Tiền lương quốc gia vừa thống nhất điều chỉnh lương tối thiểu vùng tăng thêm 5,5% so hiện tại, tức tăng 150.000-240.000 đồng tùy từng vùng, áp dụng từ ngày 1-1-2020. Đây là năm thứ ba liên tiếp, lương tối thiểu được điều chỉnh tăng lên.

Con số 5,5% này tuy chưa đạt được như mức kỳ vọng 6% mà Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đưa ra, nhưng cũng đã cao hơn khá nhiều so đề xuất 1-2% mà Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đề nghị. Và điều quan trọng là nó được các bên chấp nhận và được khẳng định là sẽ đáp ứng được 100% mức sống tối thiểu của người lao động.

Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ thực tế đời sống của người lao động vẫn còn khó khăn, đặc biệt là các công nhân đang nuôi con nhỏ. Một khảo sát của Oxfam cùng Viện Công nhân và Công đoàn thực hiện vào năm 2018, cho thấy có tới 69% số công nhân cho biết họ không có đủ tiền để trang trải nhu cầu sinh hoạt của mình, 31% không tiết kiệm được gì từ tiền lương trong tháng, 37% luôn ở trong tình trạng vay nợ bạn bè. Vì thu nhập không đủ chi trả các nhu cầu cơ bản, 65% số công nhân buộc phải thường xuyên tăng ca, bất chấp những hệ lụy về sức khỏe.

Chính sách tiền lương của chúng ta sau 10 năm vẫn được tính dựa vào mức sống tối thiểu, và thực tế nói trên cho thấy, phải chăng đã đến lúc cần một sự đổi mới nhất định để trả lời được câu hỏi: Như thế nào là mức sống tối thiểu và được tính trên cơ sở nào để bảo đảm cuộc sống cho người lao động?

Theo cách tính của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), “mức sống tối thiểu” cần phân biệt hai loại gồm: Mức sống tối thiểu để tồn tại và mức sống tối thiểu cơ bản đủ sống. Từ nhiều năm nay, ILO đã khuyến nghị các nước thành viên tính lương tối thiểu dựa trên mức sống tối thiểu cơ bản đủ sống. Bởi nếu trả lương cho người lao động căn cứ vào mức sống tối thiểu để tồn tại, điều này về lâu dài sẽ làm nhân rộng đói nghèo, tăng khoảng cách giàu nghèo giữa các nhóm trong xã hội. Trong khi đó, nếu tính lương theo mức sống loại thứ hai, cấu phần của lương không chỉ đáp ứng nhu cầu cơ bản về lương thực, thực phẩm, nơi ở mà còn các nhu cầu khác như: giáo dục, y tế, giải trí, đi lại, tích lũy, quan hệ gia đình…

Việc hoạch định chính sách tiền lương tối thiểu lên mức lương đủ sống không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong việc cải thiện đời sống công nhân mà còn góp phần ổn định an sinh xã hội, bảo đảm công bằng xã hội. Nếu khả năng tái tạo sức lao động không được bảo đảm, rất khó để giữ được năng lực cạnh tranh về nhân công, khi ấy, sức hút vốn đầu tư FDI chỉ dừng lại ở nhân công giá rẻ mà không phải là một đội ngũ lao động có chất lượng tốt, làm việc năng suất cao. Tất nhiên, đó không phải là hướng phát triển bền vững cho các doanh nghiệp cũng như của cả một nền kinh tế nói chung.