Quan trọng là quản lý dòng tiền

Mới đây, Bộ Giao thông vận tải đã chính thức đề xuất bãi bỏ Quỹ Bảo trì đường bộ (BTĐB). Bộ này đang trình dự thảo Nghị định bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ về Quỹ BTĐB để lấy ý kiến các chuyên gia, Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố và các hiệp hội.

Thực chất, đề xuất này không làm biến mất số tiền thu từ mỗi đầu phương tiện tham gia giao thông của người dân nhằm mục đích cải tạo, tu sửa hay xây mới hệ thống đường bộ, mà chỉ làm biến mất đơn vị quản lý để dịch chuyển số tiền này sang một đơn vị quản lý khác - đơn vị quản lý ngân sách Nhà nước (NSNN).

Từ năm 2017, số tiền thu được của quỹ này đã được chuyển về NSNN theo quy định của Luật Phí và lệ phí; Luật Ngân sách nhà nước; Nghị quyết số 27/2016/QH14 ngày 11-11-2016 của Quốc hội về Dự toán ngân sách Nhà nước 2017. Việc sử dụng số tiền này cũng phải dựa theo Luật Ngân sách Nhà nước. Chính vì điều này, Hội đồng quản lý Quỹ BTĐB đã bị giải thể vì không còn phù hợp.

Như vậy, việc xóa bỏ quỹ này là chuyện cần thiết, đương nhiên nên làm để hệ thống hành chính công của Việt Nam trở nên gọn nhẹ hơn. Song, quan trọng nhất vẫn là bộ máy hành chính ấy phải được vận hành mượt mà hơn sau khi đã tinh gọn.

Quỹ BTĐB đã tồn tại gần sáu năm, được đánh giá là “cánh tay” hỗ trợ cho công tác duy tu, xây mới các công trình giao thông đường bộ khi NSNN còn hạn chế hay quá trình giải ngân còn chậm chạp vì nhiều lý do. Nhờ “tồn tại độc lập” mà quỹ này chủ động trong mọi hoạt động. Khi được sáp nhập, chỉ mong sự chủ động ấy vẫn được bảo toàn. Bởi dù sáp nhập toàn bộ chức năng, quyền hạn của quỹ này vào một sơ đồ quản lý mới nhưng không được làm biến đổi giá trị của quỹ.

Chính vì vậy, câu hỏi đặt ra khi Quỹ BTĐB chuyển về NSNN là cấp quản lý nào sẽ tiếp nhận và chịu trách nhiệm với số tiền thu được chuyển đến? Bốn cấp quản lý NSNN sẽ được phân quyền thế nào để quản lý dòng tiền không hề nhỏ này?

Luật Ngân sách Nhà nước từ khi được hình thành năm 1996 đến năm 2017, cơ chế phân cấp quản lý NSNN tuy được cải thiện nhưng vẫn còn hạn chế. Phân cấp nhiệm vụ chi được dựa theo phân cấp quản lý kinh tế - xã hội, nhưng chính phân cấp quản lý kinh tế - xã hội, đối với một số lĩnh vực vẫn chồng chéo, dẫn đến khó khăn trong phân cấp nhiệm vụ chi.

Vậy nên chăng, khi chuyển quỹ này sang đơn vị NSNN cần phân quyền ngay cho đơn vị quản lý? Số tiền thu được từ địa phương nên giao ngay cho địa phương đó quản lý, thu được từ T.Ư nên giao cho T.Ư quản lý? Trong một năm hoạt động, cũng cần xem xét công trình giao thông nào thuộc thẩm quyền T.Ư - địa phương mà phân bổ dòng tiền về phù hợp. Như vậy, dù chuyển đổi nhưng vẫn bảo đảm được “tính độc lập” của quỹ này.