Phát triển kiểu “phong trào”

Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế khuyến khích phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo (NLTT), nhiều nhà đầu tư đã tích cực tham gia nghiên cứu và đề xuất đầu tư các dự án nguồn điện NLTT. Tính đến cuối tháng 8 này, tổng công suất các nguồn điện gió và điện mặt trời đã được phê duyệt bổ sung quy hoạch gần 23.000 MW (trong đó: điện mặt trời khoảng 11.200 MW; điện gió khoảng 11.800 MW).

Tuy nhiên, chủ đề về NLTT và quy hoạch điện đã một lần nữa làm nóng phiên họp Ủy ban Kinh tế của Quốc hội ngày 7-9 vừa qua. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, trước đây nhiều địa phương đề nghị xin làm dự án nhiệt điện than nhưng nay lại chuyển sang đề nghị phát triển điện gió, điện mặt trời hay điện khí... Điều này “rất mang tính phong trào”, ông Hiển lo ngại. Cùng chung nhận định, ông Đỗ Văn Sinh - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế chỉ ra thêm, các mức giá cố định dành cho điện mặt trời, điện gió đưa ra ở năm 2017 cao hơn mặt bằng chung ở một số quốc gia, cũng như vi phạm Luật Giá, Luật Điện lực, quy định “Bộ Công thương phê duyệt khung giá bán điện và các bên thỏa thuận trong khung giá”. Thêm nữa, Bộ Công thương thiếu chủ động lập quy hoạch điện mặt trời, điện gió cả nước để định hướng khiến “các nhà đầu tư rất khổ, họ phải tự lo rồi làm sao chạy để được duyệt vào quy hoạch điện quốc gia”. Thực tế này khiến công suất điện mặt trời tăng gấp 7 - 8 lần so với quy hoạch, lưới điện truyền tải không đáp ứng, lãng phí nguồn lực.

Thừa nhận việc lập quy hoạch điện trước đây khá “cứng” khiến bỏ lỡ nhiều cơ hội đầu tư từ nguồn lực tư nhân, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh trình bày thêm, quyết định 11 hay gần đây là quyết định 13 về cơ chế giá cho điện mặt trời đã giúp thu hút nguồn lực đầu tư doanh nghiệp tư nhân vào phát triển NLTT. Hiện nguồn điện mặt trời, điện gió chiếm gần 10% tổng công suất nguồn điện cả nước.

Nhưng câu chuyện quy hoạch nguồn điện không chỉ dừng ở đó. Bởi chính các quy định “cứng” về quy mô, thời gian thực hiện dự án... tại quy hoạch điện VII và VII điều chỉnh còn dẫn tới hệ quả là nhiều dự án điện trọng điểm chậm tiến độ. Riêng nguồn điện đầu tư tính theo công suất toàn quốc giai đoạn 2011 - 2015 chỉ đạt 81,4% kế hoạch, tỷ lệ này tăng lên 93,7% vào 5 năm sau đó nhưng cơ cấu nguồn truyền thống lại giảm. Chẳng hạn, tổng công suất nguồn điện truyền thống có thể đưa vào vận hành giai đoạn 2016 - 2020 chỉ đạt gần 60%. Trong khi đó, cơ cấu nguồn nhiệt điện than chỉ đạt gần 58%, có 10 dự án lớn dự kiến vận hành trong 2016 - 2020 đều lỡ hẹn, với tổng công suất lên tới 7.000 MW.

Bài học thực tế trên cho thấy, đối với công tác lập quy hoạch điện VIII và tỷ trọng cơ cấu các nguồn điện, cần tính tỷ trọng các nguồn điện theo cơ cấu giá. Chẳng hạn, khi đấu giá điện gió được giá thấp nhất thì sẽ dự báo rằng giá đó như thế nào để tính toán tỷ trọng vào cơ cấu nguồn điện chung. Ngược lại, nếu giá đấu thầu quá cao thì sẽ tính toán tỷ trọng cơ cấu nguồn ít hơn so với các nguồn điện khác... Chỉ cách này mới có thể khiến mục tiêu “Đủ điện nhưng giá phải thấp nhất” trở nên khả thi.