Ðối sách và kế sách

NGUYỄN TRUNG CHÍNH Chủ tịch Tập đoàn CMC

Theo Nghị quyết 23-NQ/T.Ư ngày 22-3-2018 của Bộ Chính trị về Ðịnh hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia, đến năm 2030 Việt Nam hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; thuộc nhóm ba nước dẫn đầu khu vực ASEAN về công nghiệp. Tuy nhiên, theo báo cáo về mức độ sẵn sàng cho nền sản xuất trong tương lai do Diễn đàn kinh tế thế giới công bố, Việt Nam nằm trong nhóm thứ tư về mức độ sẵn sàng, tức là mức sơ khai, và các chỉ số liên quan đến đổi mới sáng tạo còn ở mức thấp.

Muốn đảo ngược được tình thế này, chúng ta cần cải cách mạnh mẽ bắt đầu từ ba trụ cột chính: Cải cách thể chế; ứng dụng công nghệ trong phát triển sản xuất, kinh doanh, xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin nhằm phát triển lĩnh vực thương mại điện tử; tạo ra hệ sinh thái khởi nghiệp hấp dẫn thu hút các start-up người Việt nói riêng và thế giới nói chung.

Về cải cách thể chế, Chính phủ cần có chiến lược phát triển công nghiệp 4.0, trong đó thúc đẩy nhanh việc triển khai Chính phủ điện tử, thành phố thông minh. Hãy tin tưởng giao cho các DN tư nhân tham gia vào công việc này, vừa giúp tạo cầu thị trường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vừa đồng thời giúp cho môi trường kinh doanh được tự do thông thoáng với chi phí cạnh tranh so với các quốc gia trong khu vực. Lấy tiêu chuẩn của các nước như Xin-ga-po, Hàn Quốc... làm mục tiêu phấn đấu, xây dựng chính phủ kiến tạo và cạnh tranh với các chính phủ khác trong khu vực, thông qua đó sẽ thu hút được đầu tư nước ngoài có chất lượng cao về Việt Nam.

Cộng đồng doanh nghiệp (DN) đang mong mỏi, Chính phủ đưa ra chính sách cho các DN tư nhân trong nước đầu tư vào những lĩnh vực công nghệ 4.0 (như gói dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo…) được hưởng các ưu đãi như các DN công nghệ cao và được hưởng chính sách thuế tương tự với doanh nghiệp nước ngoài như Samsung – miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo, sau đó sẽ hưởng thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 30 năm; đồng thời, được hưởng ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật về đất đai, thuế giá trị gia tăng, thuế xuất nhập khẩu. Nếu chính sách này được áp dụng cho các DN cả trong và ngoài nước sẽ thu hút được lượng lớn nhà đầu tư nước ngoài cũng như nguồn lực và trí lực trong nước đầu tư vào lĩnh vực này.

Về chuẩn bị nguồn nhân lực, chúng ta cần đổi mới trong giáo dục đào tạo theo hướng đẩy mạnh đào tạo toán học, nhất là toán ứng dụng và tiếng Anh, bởi đây là kiến thức và kỹ năng quan trọng mà công nghiệp 4.0 cần. Cũng như phải đẩy mạnh hơn nữa công tác đào tạo nguồn nhân lực CNTT. Muốn vậy, cần đưa ra chính sách miễn giảm thuế, đất đai, tín dụng… để khuyến khích xã hội hóa công tác đào tạo.

Nhìn rộng ra thế giới, có thể thấy nhiều quốc gia đã có độ sẵn sàng cao trong nắm bắt cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nếu chúng ta không muốn bị bỏ lại, chỉ có con đường ngắn nhất là đưa ra đối sách đúng và hành động kịp thời!