Nút thắt bảo lãnh tín dụng

Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước luôn xác định phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) là động lực phát triển của nền kinh tế quốc dân. Vậy nên, DNNVV là một trong năm lĩnh vực ngành ngân hàng ưu tiên đầu tư tín dụng. Trên cơ sở thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho DNNVV tiếp cận nguồn vốn tín dụng để phát triển sản xuất, kinh doanh, dư nợ tín dụng đối với khối này đã đạt được sự tăng trưởng đều qua các năm. Sáu tháng đầu năm nay, dư nợ tín dụng đối với DNNVV trên toàn quốc đạt 1.402.890 tỷ đồng, tăng 4,48% so với cuối năm 2017, chiếm khoảng 21% dư nợ toàn nền kinh tế. Hiện nay có hơn 270.000 doanh nghiệp nhóm này đang có dư nợ tại các tổ chức tín dụng (TCTD).

Tuy nhiên, mức tăng trưởng như vậy chưa phải đã đáp ứng được tốt nhu cầu vay vốn của DNNVV. Một trong số những nguyên nhân ngăn cản DNNVV tiếp cận vốn chính là chính sách bảo lãnh tín dụng cho đối tượng này còn tồn tại nhiều bất cập. Cho đến nay, các bộ, ngành vẫn chưa hoàn thiện được các văn bản (nghị định, thông tư) hướng dẫn Luật Hỗ trợ DNNVV, vậy nên rất khó bảo đảm các chính sách hỗ trợ DNNVV được triển khai đồng bộ, có hiệu quả.

Câu hỏi đặt ra là phải làm sao để triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ DNNVV đã được quy định trong Luật Hỗ trợ DNNVV, đặc biệt là chính sách về bảo lãnh tín dụng cho DNNVV vay vốn TCTD, Quỹ phát triển DNNVV; ban hành văn bản hướng dẫn các TCTD phối hợp với Quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương trong việc cho vay có bảo lãnh của Quỹ.

Từ góc độ của UBND các tỉnh, thành phố, cần tích cực triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ DNNNV quy định tại Luật hỗ trợ DNNVV và hướng dẫn của các bộ, ngành trung ương. Phối hợp chặt chẽ với ngành ngân hàng trong việc triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để cùng tháo gỡ khó khăn trong các lĩnh vực đất đai, thuế, cơ sở hạ tầng... khi doanh nghiệp tiếp cận vay vốn ngân hàng để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Về phía các TCTD, cần phải tiếp tục rà soát, cải tiến quy trình cho vay, thủ tục vay vốn, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn nhưng vẫn bảo đảm an toàn vốn vay; tích cực triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để cùng với chính quyền các địa phương trực tiếp tháo gỡ đồng bộ những khó khăn, vướng mắc trong quan hệ tín dụng với khách hàng.

Ngoài ra, cần khuyến khích các TCTD phát triển đa dạng các sản phẩm tín dụng, trong đó có các sản phẩm tín dụng đặc thù cho đối tượng DNNVV và các sản phẩm mới như: các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, các sản phẩm phòng ngừa rủi ro lãi suất và tỷ giá nhằm giúp doanh nghiệp chủ động về vốn, tăng cường khả năng phòng ngừa rủi ro.

Bản thân các DNNVV cũng phải tự hoàn thiện, tuân thủ quy định của pháp luật và chủ động cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực để nâng cao uy tín đối với các tổ chức tín dụng. Tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị của sản phẩm, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng kiểm soát dòng tiền và tình hình tài chính của doanh nghiệp trong quá trình vay vốn.

NGUYỄN QUỐC HÙNG

Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN