Nguồn lực cải cách tiền lương

Theo Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 vừa được Quốc hội bấm nút thông qua, tổng số thu ngân sách nhà nước được xác định là 1.512.300 tỷ đồng, tổng chi là 1.747.100 tỷ đồng. Mức bội chi ngân sách nhà nước là 234.800 tỷ đồng tương đương 3,44% GDP. Quốc hội cũng đồng ý tổng mức vay của ngân sách nhà nước là 488.921,352 tỷ đồng trong năm sau.

Với Nghị quyết này, Quốc hội giao Chính phủ thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,6 triệu đồng/tháng, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng theo quy định (đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm) và trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng bằng mức tăng lương cơ sở, thời điểm thực hiện từ ngày 1-7-2020.

Nguồn lực nào để thực hiện việc cải cách tiền lương? Câu hỏi này cũng đã được thảo luận sôi nổi tại trong và ngoài kỳ họp thứ tám Quốc hội khóa XIV. Cụ thể, ngay trong Nghị quyết vừa thông qua, Quốc hội đã đưa ra những “đặt hàng” cụ thể đối với Chính phủ. Trước hết, Quốc hội yêu cầu Chính phủ tiếp tục thực hiện các quy định hiện hành về chính sách tạo nguồn cải cách tiền lương kết hợp triệt để tiết kiệm chi gắn với sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao mức độ tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

Nghị quyết cũng nêu rõ, từ năm 2019 dành 40% tăng thu thực hiện của ngân sách trung ương và 70% tăng thu thực hiện so với dự toán của ngân sách địa phương để tạo nguồn cải cách tiền lương trong năm 2020 và tích lũy cho giai đoạn 2021-2025. Thêm nữa, loại trừ một số khoản thu gắn với nhiệm vụ chi cụ thể khi xác định số tăng thu ngân sách địa phương thực hiện năm 2019 và dự toán năm 2020 để tính nguồn cải cách tiền lương.

Đối với ngân sách của các địa phương, phần kinh phí dành ra từ giảm chi hỗ trợ hoạt động thường xuyên trong lĩnh vực hành chính và hỗ trợ các đơn vị sự nghiệp công lập, được sử dụng theo nguyên tắc: dành 50% bổ sung nguồn cải cách tiền lương để thực hiện chi trả tiền lương tăng thêm do tăng mức lương cơ sở trong lĩnh vực hành chính và các lĩnh vực có đơn vị sự nghiệp; dành 50% còn lại thực hiện chi trả các chính sách an sinh xã hội do địa phương ban hành và tăng chi cho nhiệm vụ tăng cường cơ sở vật chất của lĩnh vực tương ứng.

Ngân sách trung ương bảo đảm kinh phí điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng theo quy định (đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm) và trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng; hỗ trợ nhu cầu điều chỉnh tiền lương tăng thêm cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương không cân đối được nguồn theo quy định của Chính phủ…

Có thể nói cụm từ “cải cách tiền lương” được nhắc đến nhiều trong Nghị quyết cho thấy đòi hỏi cao hơn từ Quốc hội và quyết tâm thực thi từ phía Chính phủ. Thiết nghĩ, cũng cần phải nhắc đến rằng, cội nguồn để bảo đảm cho việc cải cách phải gắn với sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao mức độ tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Chỉ khi tiến hành được đồng bộ những điều này, ý nghĩa của đồng lương tăng lên mới được thể hiện rõ!