Nan giải các trường ngoài công lập

Trước bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều cơ sở giáo dục (CSGD) ngoài công lập (NCL) từ mầm non tới đại học phải đóng cửa và gánh theo biết bao nỗi lo về đủ thứ chi phí. Làm gì để giữ chân đội ngũ giáo viên (GV), ổn định hệ thống trường NCL là bài toán không dễ giải lúc này.

Nan giải các trường ngoài công lập

Khó khăn kép

Theo tìm hiểu của phóng viên Nhân Dân cuối tuần, các CSGD dưới sự tác động của dịch Covid-19 đang gặp rất nhiều khó khăn, thiệt hại lớn. Mặc dù học sinh, sinh viên không đến trường, nhưng các CSGD này vẫn phải duy trì hệ thống và các chi phí vận hành, chi phí thuê mặt bằng, trả lương, nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đầy đủ cho cán bộ, giảng viên, GV, chi phí đầu tư xây dựng, khấu hao, thuế và các chi phí khác. Như vậy, "bài toán kinh tế" cùng nỗi lo chuyên môn đang trở thành áp lực lớn với người đứng đầu các CSGD NCL.

Với truyền thống 28 năm hình thành và phát triển, Trường THCS - THPT Marie Curie, Hà Nội (Trường Marie Curie) có lợi thế khi không phải đi thuê cơ sở vật chất, nhờ đó tích lũy được vốn để phòng rủi ro trong các tình huống khác nhau. Tuy nhiên, thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie cũng đã phải đau đầu tính toán cân đối. "Ðể đối phó với dịch, Trường Marie Curie sẽ không thu bất kỳ loại phí nào, kể cả học trực tuyến. Từ tháng 2 trở lại đây, nhà trường không có nguồn thu nào. Sau hai tháng chi 100% lương cho cán bộ, GV, tới đây sang tháng 4, 5 chúng tôi phải tính toán lại. Kế hoạch sắp tới, cán bộ, GV sẽ chỉ nhận 70% lương, nhưng không nhỏ hơn 10 triệu đồng/tháng", thầy Khang chia sẻ.

Tình hình còn khó khăn hơn nữa với Trường THPT Ðinh Tiên Hoàng (Hà Nội). TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Ðinh Tiên Hoàng chia sẻ, hiện nhà trường vẫn phải trả tiền thuê cơ sở vật chất, và để cầm cự, trường chỉ trả lương cho GV chủ nhiệm, bởi đội ngũ này hằng ngày vẫn phải quản lý học sinh. Còn các GV bộ môn đều trong tình trạng không có lương. "Dịch bệnh càng kéo dài càng gây áp lực lớn với nhà trường. Có thông tin các cơ sở giáo dục được bổ sung vào nhóm đối tượng nhận hỗ trợ theo tinh thần dự thảo Nghị quyết hỗ trợ đang được Chính phủ bàn thảo. Nếu được như vậy thì chúng tôi như có được phao cứu sinh. Tuy nhiên, cho đến nay, chúng tôi chưa có được thông tin hay hướng dẫn cụ thể nào", thầy Lâm băn khoăn.

Trong hệ thống CSGD NCL trên cả nước, nhóm đối tượng khó khăn nhất phải kể đến là các trường mầm non NCL. Cô giáo Nguyễn Thị Mai Nga, Chủ nhóm lớp nhà trẻ mẫu giáo độc lập Hoa Trạng Nguyên, phường Hà Cầu (Hà Ðông, Hà Nội) chia sẻ, gánh nặng lớn nhất lúc này là chi phí thuê địa điểm và tiền lương hỗ trợ cho các GV. "Bên cạnh đó, còn là việc các con còn nhỏ phải nghỉ học lâu sẽ quên kiến thức, quên nền nếp. Khi đi học lại, các GV mầm non sẽ phải vất vả hơn rất nhiều. Tình hình này, chẳng có mấy GV trụ được với nghề", cô Nga lo lắng. Nỗi lo ấy hoàn toàn có cơ sở.

Gói giải pháp SOS

Trao đổi ý kiến với chúng tôi, ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Giáo dục Mầm non (Bộ Giáo dục và Ðào tạo - GD&ÐT) cho biết, nếu các trường không đủ tiềm lực giữ được đội ngũ GV ổn định về mặt số lượng và chất lượng, thì qua đợt dịch, sẽ thiếu GV đứng lớp. Sẽ khó lòng giải quyết ngay được cuộc khủng hoảng nhân lực bởi để đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ GV đòi hỏi cả quá trình. Về vấn đề này, Bộ GD&ÐT đã đề xuất với Chính phủ có hướng hỗ trợ về cơ sở vật chất và giúp cho các CSGD mầm non tư thục ổn định được đội ngũ GV. Theo thống kê mới nhất của Vụ Giáo dục Mầm non, toàn quốc hiện có hơn 3.000 CSGD mầm non NCL (chiếm 19,6% tổng số trường mầm non) với hơn 1 triệu trẻ em; và gần 100 nghìn GV, nhân viên chịu tác động trực tiếp bởi dịch.

Cũng liên quan đến kiến nghị hỗ trợ được gửi đến Chính phủ, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ÐT) cho biết thêm, Bộ đã đề xuất hỗ trợ CSGD NCL theo hình thức hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ (CSGD NCL hoạt động theo Luật Doanh nghiệp - PV). Theo đó, có thể cho phép giãn nợ ngân hàng, giảm thuế, phí… "Vấn đề này Chính phủ đã có giải pháp chung cho các doanh nghiệp, trường tư thục cũng nằm trong nhóm đó. Phía Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có những động thái hỗ trợ việc đóng bảo hiểm cho người có hợp đồng lao động nhưng bị mất việc do dịch bệnh (trường hợp bất khả kháng)…", ông Thái Văn Tài cho biết thêm.

Ðối với giải pháp hỗ trợ hệ thống giáo dục đại học, đại diện Vụ Giáo dục Ðại học (Bộ GD&ÐT) cho biết, bên cạnh những hoạt động hỗ trợ trong khả năng thẩm quyền của mình, mới đây Bộ GD&ÐT đã ký cam kết với Bộ Thông tin và Truyền thông để các doanh nghiệp công nghệ thông tin nhập cuộc, hỗ trợ về hạ tầng và thiết bị cho dạy học online; cùng với đó là kiến nghị Chính phủ có thêm chính sách hỗ trợ.

Chính phủ đang quyết liệt thúc đẩy sớm gói hỗ trợ lớn chưa từng có để tháo gỡ khó khăn vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tin vui với các CSGD NCL là các trường này sẽ được xem xét để được hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng. Song để chính sách được triển khai trong thực tế còn cần độ trễ về thời gian. Lúc này, những người đứng đầu các CSGD NCL vẫn phải nỗ lực bằng chính khả năng và tâm huyết của mình với giáo dục, bởi đây cũng là loại hình "doanh nghiệp đặc biệt".