“Lưới” chặt mà vẫn thưa

Mới đây, Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, hiện có 140 nhà thầu đang bị xử lý vi phạm gian lận thầu, bị cấm đấu thầu trên cả nước. Con số này tuy không thể phản ánh rõ nét về thực trạng đấu thầu nhưng cho thấy, từ trước đến nay, chế tài xử phạt vẫn chưa đủ “lực”. Rõ ràng, hình thức đấu thầu truyền thống vẫn thiếu minh bạch và tồn tại kẽ hở, dễ bị lợi dụng để tạo cơ hội cho cá nhân trục lợi.

Năm 2002, trong dự thảo (lần cuối) Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế Đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lần đầu đưa vào các mức xử phạt nhà thầu vi phạm; quy định chặt chẽ hơn về chất lượng hồ sơ mời thầu, thanh tra và xử lý vi phạm về đấu thầu...

Sau đó, nhiều nghị định ra đời như Nghị định 63/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu; Nghị định 30/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư cùng các thông tư kèm theo.

Điều đáng nói, dù ban hành nhiều nghị định và thông tư nhằm nâng cao “chất lượng” nhà thầu nhưng Việt Nam hiện nay chỉ có hai quy định về xử lý vi phạm hành chính, tội phạm trong lĩnh vực đấu thầu, gồm: Nghị định 50/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư và Tội vi phạm quy định về đấu thầu - Điều 222 Bộ luật Hình sự 2015.

Được đưa vào thử nghiệm từ năm 2009 và chính thức triển khai trên toàn quốc vào năm 2016, hệ thống mạng đấu thầu quốc gia được hy vọng sẽ giúp tiết kiệm ngân sách nhà nước, tạo môi trường cạnh tranh, bình đẳng. Nhưng sau hơn hai năm hoạt động, hình thức này vẫn không được doanh nghiệp “ưa thích”. Ngoài những khó khăn về kỹ thuật thì hạn chế về nhận thức cũng khiến hình thức này không phát huy tác dụng.

Tính đến cuối năm 2018, mới chỉ có 18% số gói thầu được thực hiện qua mạng. Trong 119 cơ quan thực hiện đấu thầu, có 41 đơn vị chưa thực hiện một gói thầu nào qua mạng. Bên cạnh đó, đấu thầu qua mạng có thể làm thiệt hại đến quyền lợi của nhiều chủ đầu tư nên thường bị trì hoãn triển khai. Nhiều doanh nghiệp vi phạm chỉ bị cấm tham gia đấu thầu 3 - 5 năm. Và nếu gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên, doanh nghiệp sẽ bị truy tố hình sự. Nhưng đến nay, vẫn chưa có doanh nghiệp nào “vi phạm vượt quá” mức cho phép này.

Những con số trên cho thấy, để mục tiêu 70% số gói thầu được “đấu” qua mạng vào năm 2025 trở thành hiện thực rất cần sự quyết tâm mạnh mẽ từ Trung ương đến địa phương. Bên cạnh đó, cần có những chế tài “nặng tay” hơn như giảm mức tiền vi phạm có thể khởi tố hình sự, tăng thời gian cấm tham gia đấu thầu, thậm chí là cấm vĩnh viễn với các cá nhân đứng đầu doanh nghiệp, doanh nghiệp nếu vi phạm quá hai lần... Chỉ có tăng chế tài mới đủ sức đưa những hệ thống quy định đã có đi vào được đời sống và phát huy chức năng “lưới” lọc cần thiết như kỳ vọng khi xây dựng chính sách.