Lỗi tư duy

Vượt ra khỏi mục tiêu góp ý cho một văn bản quy phạm pháp luật sắp được ban hành, cuộc hội thảo do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tổ chức ngày 21-8 có tiêu đề khá dài: "Nghị định 86/2014/NÐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô-tô: Sửa Nghị định hay nhìn lại cách thực hiện Luật".

TS Nguyễn Ðình Cung, Viện trưởng CIEM giải thích, cuộc hội thảo không chỉ nhằm góp ý cho một dự thảo Nghị định "làm mãi vẫn chưa ổn" (sau 4 lần không được phê duyệt, đây là dự thảo lần thứ 5, chuẩn bị được trình lên Chính phủ), mà còn muốn đặt ra vấn đề tư duy xây dựng pháp luật.

"Chúng ta cứ loay hoay đối phó với thực tế chưa xong thì xu hướng kinh doanh mới đã ập đến, xung đột gay gắt với hiện trạng cũ. Cái mới, dù muốn hay không, sẽ thay thế cái cũ. Cho nên nguyên tắc làm luật là không kéo lùi cách thức kinh doanh hiện đại xuống mà phải nâng truyền thống lên; hướng đến chuyển đổi cách làm truyền thống thành hiện đại, phát huy được thế mạnh của kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ", ông Cung bày tỏ.

Chia sẻ quan điểm của vị Viện trưởng luôn tuyên chiến gay gắt với các điều kiện kinh doanh (ÐKKD) vô lý, nhiều ý kiến tại hội thảo nhận định, những nội dung thay đổi trong Dự thảo không phải đổi mới, càng không phải là đột phá, mà mới chỉ là sửa chữa sai lầm, nhầm lẫn, vô lý, cản trở phát triển, thậm chí trong nhiều nội dung lại còn có điểm thụt lùi so với trước.

Chẳng hạn, nếu chỉ xét về các ÐKKD-mà Chính phủ đang nỗ lực đơn giản hóa - thì Dự thảo này đã bớt 1, thêm… gần 7. Thống kê do nhóm nghiên cứu của CIEM thực hiện chỉ ra rằng, tổng số ÐKKD được cắt bỏ theo dự thảo nêu trên là 12, trong khi tổng số ÐKKD bổ sung lên tới 85 (số bổ sung trực tiếp vào dự thảo là 64, số được quy định "… theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải" là 21). Trong đó có những ÐKKD được "lẩn" đi rất khéo bằng cách… đưa vào giải thích từ ngữ. Như đơn vị kinh doanh vận tải được định nghĩa là "doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh vận tải đã được Sở Giao thông vận tải cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô-tô". Hoặc "Vận tải trung chuyển hành khách là hoạt động (…) sử dụng xe ô-tô chở người từ 16 chỗ trở lên (kể cả người lái xe), được cấp phù hiệu để đưa đón, trả khách (…) trên địa bàn địa phương nơi cấp phù hiệu". Vẫn biết rằng số lượng ÐKKD nhiều chưa hẳn đã là không tốt, nhưng nhiều đến như vậy thì chắc chắn cần rà soát lại.

Có rất nhiều thí dụ khác minh chứng cho lỗi tư duy bóp nghẹt thay vì cởi mở, tạo điều kiện, nhất là với nhóm giải pháp được cho là để ngăn chặn tình trạng "xe dù bến cóc". Thay vì ứng dụng những giải pháp quản lý theo cách thức, công nghệ hiện đại, thì dự thảo lại tạo ra những rào cản kinh doanh không cần thiết.

Với nội dung như hiện nay, e rằng ngay cả khi được ban hành, dự thảo nghị định thay thế Nghị định 86/2014 cũng sẽ có đời sống ngắn ngủi như những Nghị định trước mà thôi!