Chuyện quản lý

Làm sao để có hợp tác xã trăm tỷ đồng?

Kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX) với tư cách là một thành phần kinh tế, có vai trò quan trọng đối với kinh tế - xã hội của nước ta. Ðặc biệt, kể từ khi Luật Hợp tác xã 2012 được ban hành, đã thể hiện tư duy mới về mô hình HTX kiểu mới với hạt nhân là "hợp tác", góp phần hoàn thiện quan hệ sản xuất, phù hợp với cơ chế thị trường và trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và cạnh tranh thị trường ngày càng gay gắt. Tính đến ngày 31-12-2018, toàn quốc có 22.861 HTX (trong đó có 13.856 HTX nông nghiệp, 9.005 HTX phi nông nghiệp), thu hút gần sáu triệu thành viên tham gia. Số lao động làm việc trong các HTX vào khoảng 1,2 triệu người.

Ðóng góp của khu vực kinh tế hợp tác (KTHT), HTX thể hiện qua hai kênh: đóng góp trực tiếp của khu vực HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác vào tăng trưởng kinh tế và đóng góp gián tiếp thông qua tác động tới kinh tế thành viên, HTX thành viên, thành viên tổ hợp tác - là xu hướng mới phát triển nổi bật của các HTX trong thời gian qua. Những năm gần đây đã xuất hiện một số HTX có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng trên phạm vi nhiều tỉnh, doanh thu cao hàng trăm tỷ đồng như: HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Anh Ðào (Lâm Ðồng), HTX Evergrowth (Sóc Trăng), HTX bò sữa Tân Thông Hội (TP Hồ Chí Minh), Liên hiệp HTX Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op)…

Tuy nhiên, tại Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2019 vừa diễn ra tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Ðình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã đã thẳng thắn chỉ ra, sự quan tâm của các bộ, ngành đối với KTHT, HTX chưa nhiều và không đồng đều. Khi nói đến HTX chỉ nghĩ đến nông nghiệp mà không quan tâm đến phi nông nghiệp.

Soi vào Luật Hợp tác xã năm 2012 có thể thấy, Nhà nước đã đưa ra sáu chính sách hỗ trợ đối với HTX, Liên hiệp HTX. Tiếp đó, các chính sách này đã được cụ thể hóa trong Chương trình hỗ trợ phát triển HTX giai đoạn 2015 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2261/QÐ-TTg ngày 15-12-2014. Nhiều địa phương đã ban hành và thực hiện các chính sách hỗ trợ riêng nhằm khuyến khích các HTX phát triển, phù hợp khả năng và đặc điểm của địa phương. Chỉ có điều, chính sách mở nhưng triển khai trong thực tế lại "tắc". Ðiều đó khiến cho có chính sách hầu như chưa thực hiện được, như chính sách hỗ trợ về kết cấu hạ tầng. Một số chính sách có thực hiện nhưng hiệu quả chưa cao, như chính sách ưu đãi tín dụng, chính sách hỗ trợ chế biến sản phẩm…

Vị trí vai trò của KTTT đã được xác định, nhưng phải làm gì để loại hình này vượt thoát khỏi những yếu kém nội tại để đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn, tiến tới có tỷ trọng ngày càng lớn hơn trong GDP của nền kinh tế? Câu trả lời lại quay trở về cơ chế chính sách. Chỉ có điều, cơ chế chính sách ấy phải làm sao "thông suốt" được từ trên xuống dưới. Phải làm sao hỗ trợ cho trúng thực tế đang đòi hỏi. Chất lượng ban hành chính sách một lần nữa cần được đặt ra một cách trực diện, thẳng thắn. Ðó là con đường ngắn nhất để kinh tế Việt Nam ghi nhận thêm ngày một đông những HTX doanh thu trăm tỷ đồng và thậm chí cả nghìn tỷ đồng!