Khoảng trống pháp lý

Thời gian gần đây, trên trang chủ của Zalo xuất hiện những thông tin giới thiệu Zalo Bank là “trung gian kết nối người dùng với các ngân hàng, tổ chức tài chính. Người sử dụng mạng Zalo cũng nhận được những tin nhắn mời chào vay vốn với mức lãi suất hấp dẫn như “giảm 1-2% lãi suất đăng ký vay mới”…

Khi đăng ký qua Zalo Bank, hồ sơ điện tử của khách hàng sẽ được chuyển trực tiếp đến các đối tác tài chính của Zalo Bank để vay dưới dạng vay tín chấp, không cần tài sản bảo đảm, giải ngân nhanh từ 15-30 phút, lãi suất ưu đãi... Cũng theo quảng cáo của Zalo Bank, hiện có bốn tổ chức cung cấp khoản vay đang hợp tác với Zalo Bank trên ứng dụng này gồm ngân hàng Shinhan, Easy Credit, Shinhan Finance, FE Credit. Vấn đề nằm ở chỗ, mô hình này gắn với yếu tố “Bank” (ngân hàng). Nhiều khách hàng nhầm tưởng Zalo Bank là “ngân hàng Zalo”, ngân hàng số Zalo.

Rõ ràng, việc đặt tên là Zalo Bank, mời gọi vay, cho vay giống như ngân hàng đã đặt ra vấn đề pháp lý với hoạt động của mô hình này. Về phía Ngân hàng Nhà  nước (NHNN) đã khẳng định, không hề cấp phép hoạt động ngân hàng cho Zalo. Còn đại diện Cục Thương mại điện tử (Bộ Công thương) cũng khẳng định, không hề quản lý và cấp phép cho Zalo Bank.

 Theo Ðiều 5, Luật Các tổ chức tín dụng 2010, sửa đổi năm 2017, tổ chức không phải là tổ chức tín dụng không được phép sử dụng cụm từ hoặc thuật ngữ “tổ chức tín dụng”, “ngân hàng”, “công ty tài chính”, “công ty cho thuê tài chính” hoặc các cụm từ, thuật ngữ khác trong tên của tổ chức, chức danh... nếu việc sử dụng cụm từ, thuật ngữ đó có thể gây nhầm lẫn cho khách hàng về việc tổ chức của mình là một tổ chức tín dụng. Chiểu theo điều này, Zalo sử dụng tên Zalo Bank là vi phạm Luật Các tổ chức tín dụng.

Tuy nhiên, mô hình cung cấp dịch vụ hiện tại của Zalo Bank là trung gian, môi giới người có nhu cầu vay với ngân hàng thông qua nền tảng công nghệ của mình. Ðiều này, hiện  chưa có quy định rõ ràng. Với mô hình mới mẻ này, chưa rõ cơ quan nhà nước nào sẽ quản lý hoạt động này và hoạt động này (có liên quan đến cung cấp dịch vụ trực tuyến cho ngành tài chính - ngân hàng, là ngành nghề kinh doanh có điều kiện) thì phải có giấy phép hay không?

Thực tiễn cho thấy, thị trường đã xuất hiện nhiều mô hình kinh doanh mới trong lĩnh vực tài chính mà pháp luật chưa kịp điều chỉnh như P2P, hay mới đây là Zalo Bank. Rõ ràng, sự xuất hiện và phát triển với tốc độ nhanh chóng của các công ty công nghệ tài chính đã khiến cơ quan quản lý của nhiều quốc gia đối mặt với những khó khăn và thách thức trong quản lý, giám sát do những lo ngại hoạt động rửa tiền, tài trợ khủng bố, rủi ro liên quan tới an ninh, an toàn, bảo mật thông tin... Chính vì vậy, việc sớm có quy định pháp luật để quản lý các loại hình này là yêu cầu cấp thiết. Ðưa ra cơ chế để doanh nghiệp thử nghiệm hoạt động theo mô hình mới là một gợi ý cần được xem xét.

Trong bối cảnh hiện nay, nhiệm vụ đặt ra với các cơ quan quản lý là phải bảo đảm đồng thời mục tiêu hỗ trợ thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong khi vẫn phải duy trì sự ổn định, an toàn của thị trường tài chính và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.