Khi thiên tai chồng thiên tai

Ngày 11-11, trong các bản tin từ Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia (Tổng cục Khí tượng Thủy văn), tiêu điểm tập trung vào cảnh báo lũ khẩn cấp trên các sông ở Quảng Ngãi, sông Kôn (Bình Định), sông Kỳ Lộ (Phú Yên), sông Dinh (Khánh Hòa) và sông Ba (Gia Lai).

Lời cảnh báo cũng được phát đi đối với mực nước lũ trên các sông từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên và khu vực Tây Nguyên. Trong bối cảnh cơn bão 12 vừa qua mà cơn bão 13 đã lại chuẩn bị ập vào khu vực miền trung, mức độ rủi ro thiên tai do lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất cần phải đặc biệt chú ý đến để kịp thời có biện pháp phòng tránh, giảm tối đa thiệt hại về người và tài sản, cơ sở hạ tầng. Lúc này, vai trò của chính quyền địa phương, đặc biệt là đội ngũ cán bộ cấp cơ sở, càng trở nên quan trọng trong việc giúp dân vượt qua thiên tai.
 
 Xin dẫn một câu chuyện, những ngày chuẩn bị ứng phó cơn bão số 10 (Goni), thực hiện chỉ đạo của UBND huyện Sơn Hà (tỉnh Quảng Ngãi) về việc khẩn trương di dời dân, chính quyền xã Sơn Hải đã xây dựng kịch bản ứng phó rất chi tiết và đầy đủ theo từng khu vực như trên sông, suối hạ lưu thủy điện Đakrinh, thủy điện Hồ Nước Trong và hạ lưu đập hồ chứa Nước Trong. Phương châm triển khai dựa vào 4 tại chỗ: “Lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ”…
 
 Một cán bộ của Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia đã chia sẻ câu chuyện ở xã Sơn Hải trên mạng xã hội: “Đêm hôm các bác gọi nhau í ới suốt. Nào đi vận động người dân ở các nhà yếu nhà tạm đi sơ tán, nào huy động người đi giúp dân thông đường, nào là làm gác chắn cho các khu vực suối, ngầm tràn nước lớn... Nhờ sự chuẩn bị kỹ càng và tận tâm của họ mà xã Sơn Hải đã giảm được thiệt hại ở mức tối đa”. Điều đáng nói, ở huyện Sơn Hà, 100% số các xã đều xây dựng kịch bản ứng phó kỹ càng như vậy trước mỗi thông tin dự báo mùa mưa bão. Trên khắp dải đất đang oằn mình vì thiên tai liên tiếp suốt hơn một tháng qua, những kinh nghiệm ứng phó như cách mà một xã nhỏ ở Quảng Ngãi đã làm, tiếc thay vẫn là chuyện khá hiếm hoi.
 
 Bài học ứng phó thiên tai của tháng 10, tháng 11 năm nay hẳn sẽ còn được nhắc đến nhiều lần trong nhiều năm nữa, như một sự minh chứng cho nhận định: Cần sẽ phải có nhập cuộc sâu sắc của cả hệ thống, từ trung ương xuống đến tận cấp cơ sở, chúng ta mới có thể nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai bão lũ. Chính quyền với dân, quân với dân, dân với dân là những mối gắn bó keo sơn vượt lên sự khắc nghiệt của thử thách mang tên thiên tai.
 
 Năm 2020 rồi sẽ trở thành năm của thiên tai lịch sử, nhưng không ai dám chắc, với tốc độ biến đổi khí hậu hiện nay, trước những trả giá cho bài học về phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, liệu rằng có những “kỷ lục buồn” mới xảy ra nữa hay không? Vậy nên, bên cạnh những giải pháp trước mắt cấp bách như tập trung cứu nạn, cứu hộ, khôi phục hạ tầng, đời sống của người dân, đã đến lúc chúng ta phải lựa chọn đầu tư cho những giải pháp dài hạn hơn.
 
 Phát triển bền vững không chỉ là khái niệm thời thượng, không chỉ là sự lựa chọn của quốc gia, hay của doanh nghiệp, mà cần phải đi vào ý thức của mỗi cư dân trên Trái đất, bắt đầu từ chào đời và lớn lên. Sự chuyển đổi nhận thức ấy cần được thắp lên - đừng đợi phải học thêm các bài học đau đớn từ những trận thiên tai lịch sử.