Khi sự “chen lấn” thay hình đổi dạng

Việc đội tuyển bóng đá Việt Nam tiến vào chung kết AFF Suzuki Cup 2018 đang thổi bùng tình yêu của người hâm mộ, làm tấm vé chung kết lượt về tại sân Mỹ Đình ngày 15-12 thêm tăng sức nóng. Tưởng chừng, hình thức mua bán vé trực tuyến (online) sẽ làm biến mất cảnh tượng xếp hàng, chen lấn. Nhưng, nghịch cảnh mới lại bất ngờ xuất hiện.

Chuyện đổi mới phương thức bán vé được Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) khẳng định: “thay thế hình thức xếp hàng mua vé tại quầy, giảm hiện tượng tiêu cực, chen lấn, xô đẩy, gây hình ảnh phản cảm”. Trong trận chung kết lượt về tới đây, VFF bán 10.300 vé online theo cách thức: Mỗi người hâm mộ chỉ được mua 1 lần bằng CMND hay thẻ căn cước công dân; mua tối đa 2 vé cho lần đặt thành công; thanh toán bằng thẻ ATM nội địa, hoặc thẻ credit.

Đây là cơ hội giảm ít nhất 5.150 lượt xếp hàng mua trực tiếp của 5.150 người. Hình thức mua bán online của xu thế thương mại điện tử đã được VFF vận dụng đúng thời điểm, nhưng có vẻ sai… phương thức triển khai.

Bởi sau khi mua thành công, người hâm mộ ngoại tỉnh vẫn phải mang CMND/Thẻ căn cước gốc để đối chiếu, nhận vé tại trụ sở VFF. Hình thức chuyển trực tiếp qua dịch vụ Bưu điện Việt Nam chỉ áp dụng với người mua có địa chỉ tại 12 quận nội thành Hà Nội.

Ưu điểm lớn nhất của phương thức mua sắm trực tuyến chính là không mất quá nhiều thời gian hay tốn chi phí cho việc di chuyển đến địa điểm bán. Song, lần này, khách hàng - người hâm mộ vẫn phải di chuyển đến “địa điểm cũ” - vốn là địa điểm để mua vé trước đây để lấy vé. Hình thức “xếp hàng mua vé” biến chuyển thành “xếp hàng lấy vé”.

Bên cạnh đó, VFF còn “để dành” một lượng vé nhất định với giá ưu tiên dành cho thương binh, cựu chiến binh. Chỉ trong sáng 10-12, hàng trăm thương binh đã tập trung bên trong cổng VFF, tạo nên cảnh tượng chen lấn khiến hai người ngất xỉu. Mong muốn “quản lý người mua” nhằm hạn chế tình trạng phe vé và chen lấn trở nên “hụt tác dụng”.

Được biết, khoảng 3.200 vé đã được cổ động viên Ma-lai-xi-a đăng ký mua. Như vậy, còn khoảng hơn 20.000 ghế trên Sân vận động quốc gia Mỹ Đình sẽ dành cho các tấm vé mua trực tiếp. Dù VFF đã phân chia cổng bán vé trực tiếp theo các mệnh giá nhưng với sức nóng của trận đấu cùng tình yêu của người hâm mộ, các địa điểm bán vé có lẽ sẽ không thể hết cảnh “bon chen”.

Đại diện VFF cũng cho biết, chỉ hợp tác duy nhất với Công ty Cổ phần GMO-Z.com RUNSYSTEM để bán vé bóng đá online cho các trận đấu theo 2 địa chỉ: https://vebongdaonline.vn và https://vebongdaonlines.com.vn. Tuy nhiên, hai website này lại không thể đáp ứng lượng truy cập mua vé của người hâm mộ khi các website liên tục trong tình trạng “treo” khi các đợt vé được mở bán.

Chuyển đổi phương thức bán vé sang online là hướng đi mới của VFF nhằm quản lý tốt hơn lượng vé bán ra, hạn chế tình trạng tranh giành mua vé. Tuy nhiên, nếu phương thức triển khai không phù hợp với thực tiễn thì kết quả chỉ có thể đạt chất lượng “nửa vời”.