Khi không còn phù hợp…

Khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bãi bỏ Quỹ bình ổn xăng, dầu thì câu hỏi về ý nghĩa tồn tại của quỹ này trong quá trình hỗ trợ điều tiết xăng dầu của cơ quan quản lý trong hơn một thập niên lại được đặt ra.

Ngay từ ban đầu, mục đích hình thành quỹ này là để “hạ nhiệt” giá xăng trong nước khi giá xăng, dầu thế giới tăng nóng. Điều này khiến Quỹ bình ổn xăng, dầu trở thành công cụ điều hành giá xăng của các nhà quản lý. Nhưng về phía doanh nghiệp, quỹ lại “vô tình” làm tăng chi phí. Bởi nguồn của quỹ này vốn là tiền “ứng trước” của người dân và doanh nghiệp (DN), trích 300 đồng/lít mỗi khi họ mua xăng, chuyển về cho cơ quan quản lý giữ hộ để khi giá xăng, dầu tăng cao sẽ mang ra sử dụng.

Như vậy, các DN xăng dầu đầu mối có thị phần lớn sẽ có lượng tiền trích lại lớn, những DN có thị phần nhỏ sẽ có số tiền trích lại nhỏ hơn. Khi phải xả quỹ lớn, các DN nhỏ dễ “lâm nguy”. Đã có lúc, nhiều DN bị “âm quỹ”, phải sử dụng tạm thời nguồn vốn kinh doanh hoặc vay ngân hàng thương mại để bù, làm tăng chi phí của DN. Đây là sự mất cân đối đầu tiên mà quỹ này mang lại.

Với các nhà quản lý, Quỹ bình ổn xăng, dầu như một cái bơm hai chiều, lúc xả lúc hút để ghim giá xăng, không cho dao động quá lớn. Tuy nhiên, có một thời gian, Liên Bộ Tài chính - Công thương đã ngưng xả quỹ bốn lần liên tiếp nhưng vẫn duy trì mức trích lập dự phòng. Điều này khiến giá xăng, dầu thế giới giảm mạnh nhưng giá bán xăng dầu trong nước vẫn giữ nguyên khiến người dân cảm thấy “thiệt thòi”. Đó là sự mất cân đối thứ hai.

Nguyên tắc “dùng trước bù sau” khiến Quỹ bình ổn xăng, dầu trở thành một cái phao lúc phồng lúc xẹp, làm mất đi cảm giác an toàn vốn có cho người tiêu dùng và DN. Thậm chí, giới chuyên gia cho rằng, quỹ này là một công cụ điều hành mang đậm tính can thiệp hành chính, làm mất tính thị trường của giá xăng dầu. Nhiều người còn hoài nghi về tính minh bạch của quỹ này. Như vậy, có lẽ, ý nghĩa tồn tại của Quỹ bình ổn xăng, dầu đã không còn nguyên vẹn như ban đầu.

Quỹ bình ổn xăng dầu được thành lập từ năm 2008. Và sau hơn 10 năm tồn tại, việc bãi bỏ quỹ này được đặt ra. Nhưng vấn đề là bãi bỏ như thế nào? Điều cần làm khi quyết định bãi bỏ là phải có một lộ trình hợp lý. Trước tiên là để tránh một cú sốc (có thể có) về giá đối với người tiêu dùng. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện cơ chế điều hành linh hoạt đối với thị trường xăng dầu. Để các DN có thể tham gia một cách dễ dàng hơn, tạo ra một thị trường xăng dầu cạnh tranh lành mạnh hơn. Khi đó, giá xăng dầu trong nước sẽ bám sát hơn với giá thế giới, DN cũng sẽ phải cạnh tranh để có được khách hàng, người tiêu dùng cũng sẽ có quyền lựa chọn nhiều hơn. Có như vậy, việc bãi bỏ Quỹ bình ổn xăng, dầu mới bảo đảm được quyền lợi của cả DN kinh doanh xăng dầu và người tiêu dùng.