Khan hàng

Tại một diễn đàn về vốn mới đây, một đại diện của công ty quản lý quỹ đầu tư phải kêu lên rằng, các doanh nghiệp (DN) đầu tư trực tiếp nước ngoài đang rất khó bỏ vốn vào doanh nghiệp Việt vì không có cổ phiếu để đầu tư, thiếu hàng hóa.

Rõ ràng, sự mất cân đối về cơ cấu vốn thị trường là điều đang làm khó cho nhà đầu tư khi mà tính đến cuối tháng ba năm nay, ước tính mức tổng vốn hóa vào Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) chỉ đạt khoảng 145 tỷ USD, trong đó nhà đầu tư nước ngoài sở hữu mới chỉ đạt 35 tỷ USD. Như vậy, nếu nhà đầu tư nước ngoài được mua hết cả thị trường (ước khoảng 53 tỷ USD), số room còn lại là 18 tỷ USD. Tuy nhiên, trên thực tế trong số 18 tỷ USD còn lại này, có gần 50% thuộc nhóm cổ phiếu lớn (trong đó nặng ký nhất là Vingroup chiếm tới 7,2 tỷ USD; Vinamilk, Novaland và PV Power chiếm khoảng 2 tỷ USD); còn lại 751 cổ phiếu khác chiếm 50%, chỉ khoảng 8,5 tỷ USD, tính trung bình khoảng 11 triệu USD/công ty. Nghịch lý ở đây, những công ty đầu ngành trong Top 20 được phép mua thì lại hết room, các công ty còn lại thì có định giá thấp trên thị trường. Vậy nên, với số lượng hàng hóa còn ít ỏi này, nhà đầu tư nước ngoài có muốn đầu tư vào Việt Nam cũng không có “cửa”.

Một điều đáng nói, sau khi Nghị định 60 có hiệu lực thực hiện từ ngày 1-9-2015, với quy định nhà đầu tư nước ngoài được quyền nới room và mua chứng khoán không hạn chế, nâng trần sở hữu ngoại (FOL), trong 376 công ty niêm yết trên HOSE, đến nay mới chỉ có 25 công ty có FOL đạt 100%; còn tới 317 công ty có FOL đạt 49%. Thậm chí, có 23 DN áp dụng quy định hiện hành cho phép để hạn chế bớt tỷ lệ sở hữu nước ngoài xuống dưới mức 49%.

Vì sao DN chưa nâng FOL, câu trả lời vẫn là bởi có những vướng mắc trong việc rà soát thông tin để xác định ngành nghề kinh doanh có điều kiện và vị trí pháp lý là công ty trong nước hay nước ngoài do nhà đầu tư nước ngoài mua/bán cổ phiếu hằng ngày. Ðó là còn chưa kể những vướng mắc về thủ tục tuân thủ Luật Ðầu tư. Hay như việc, khi công ty nới room lên hơn 51% sẽ được xem là DN có vốn đầu tư nước ngoài, trong một số ngành nghề nhất định bị hạn chế, như y tế bị hạn chế trong phân phối hàng hóa sản phẩm vào khu vực công hay lĩnh vực công nghệ thông tin gặp bất lợi nhất định khi tham gia đấu thầu dự án có vốn NSNN.

Xét đến cùng, thu hút thêm dòng vốn gián tiếp của nước ngoài sẽ giúp thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển hơn, hướng tới các tiêu chuẩn cao hơn, do đó, cần sớm có được những giải pháp tổng thể, trong đó tập trung giải quyết các yếu tố chi phối bao gồm mức độ sâu, rộng của thị trường, sự minh bạch thông tin và khung pháp lý hoàn thiện bảo đảm tính đồng bộ. Những đòi hỏi này phải được tính đến trong quá trình xây dựng Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi và văn bản hướng dẫn thi hành luật.

Chỉ có như vậy, cơ quan quản lý mới làm đúng trách nhiệm - tạo nên cơ hội đầu tư kinh doanh và an toàn cho xã hội. Hãy bảo đảm điều cơ bản: Doanh nghiệp được trao các công cụ huy động vốn để đi đầu tư kinh doanh.