Hiểu sao cho đúng?

Khi ra đời, sản phẩm chứng khoán phái sinh được kỳ vọng sẽ hỗ trợ thanh khoản cho thị trường. Tuy nhiên, sau hơn một năm vận hành, thị trường phái sinh đang chịu tiếng làm “nát” thị trường cơ sở (TTCS). Cá nhân tôi cho rằng, điều này không đúng. Bởi đây thực chất là mối quan hệ hỗ trợ, theo cách khi TTCS không có cơ hội kiếm lời thì thị trường phái sinh (TTPS) là nơi giúp giữ tiền lại cho thị trường, nhà đầu tư (NĐT) không rút ra mà tiếp tục giao dịch phái sinh. Phái sinh còn giúp TTCS ổn định hơn, nhiều NĐT tham gia Hợp đồng tương lai như một công cụ phòng ngừa rủi ro - hedging.

Gần đây thanh khoản của TTPS sụt giảm, giá trị giao dịch trung bình từ hơn 10 nghìn tỷ đồng bây giờ đã xuống quanh 5 nghìn tỷ đồng. Có ba nguyên nhân cơ bản khiến thanh khoản TTPS giảm. Thứ nhất, TTCS tốt hơn nên dòng tiền dịch chuyển qua đây. Sản phẩm phái sinh lúc mới ra đời chưa thu hút NĐT, tuy nhiên, khi TTCS giảm mạnh như trong năm 2018, sản phẩm phái sinh lại rất thu hút. Vì đây là sản phẩm hai chiều, khi xuống vẫn có thể kiếm tiền được chứ không chỉ mỗi lúc lên. Bắt đầu từ cuối năm 2018, đầu năm 2019, TTCS dần tốt lên, các NĐT lại chuyển dòng tiền sang TTCS là lẽ thường.

Thứ hai, hiện tại, việc kiếm tiền từ TTPS không dễ vì đây là một sản phẩm phức tạp cần có sự nghiên cứu kỹ càng. Đã có một số lượng lớn NĐT bị thua lỗ khi tham gia đã ngừng giao dịch và rời bỏ TTPS. Đúc kết kinh nghiệm cho thấy, NĐT buộc phải có chiến lược hơn, không lướt quá nhiều mà tập trung vào chiến lược giao dịch cụ thể. NĐT rời thị trường cộng với NĐT cũ bớt lướt sóng hơn khiến thanh khoản giảm.

Thứ ba, do phí quản lý tài khoản tăng khiến NĐT giảm giao dịch bởi việc tìm kiếm cơ hội có lời đã khó nay lại gánh thêm nhiều chi phí (dù không giao dịch cũng tốn tối thiểu 400 nghìn đồng/tháng để quản lý tài khoản). Đối với NĐT nhỏ, đó cũng là khoản phí lớn. Cùng với đó, chi phí giao dịch tăng lên (phí giao dịch hằng ngày, phí giữ hợp đồng qua đêm, phí quản lý…), do đó, giao dịch nhiều sẽ làm tăng tổng chi phí giao dịch lên nên NĐT sẽ giao dịch ít đi. Vì phái sinh như “trò chơi” có tổng bằng không, phần bị lấy đi ấy đã tăng thêm (do tăng chi phí giao dịch) nên càng khó khăn cho NĐT. Không khó hiểu khi NĐT có xu hướng găm giữ lâu hơn trong bối cảnh này.

Tuy nhiên, tôi tin rằng, thanh khoản TTPS đang ở mức đáy. Vì sao vậy? Đó là bởi, NĐT đã bám trụ đến nay chủ yếu là NĐT đầy kinh nghiệm. Và những ai còn trụ lại được sau một thời gian biến động sẽ tiếp tục trụ lại thêm. Thêm nữa, thị trường phát triển về chiều sâu tốt hơn, ngày càng có nhiều sự tham gia của sản phẩm mới. Và việc có thêm sự tham gia của NĐT nước ngoài và các tổ chức sử dụng hợp đồng tương lai để phòng ngừa rủi ro cũng tạo động lực tốt cho thị trường.

Hiểu đúng về TTPS và đặt nó trong mối quan hệ chung với TTCS sẽ giúp cho NĐT tối ưu hóa các kênh đầu tư. Và thị trường cũng phát triển một cách đa dạng hơn.