Hạt gạo Việt chinh phục 2021

Lô hàng 1.600 tấn gạo đầu tiên “mở hàng” cho mùa xuất khẩu năm 2021 của Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An đi Xin-ga-po và Ma-lai-xi-a có mức giá không thể tốt hơn, lên đến 750 USD/tấn. Kỳ tích của năm 2020 đang được viết tiếp khi mà hạt gạo Việt đã tìm ra con đường để đến với phân khúc thị trường có giá trị cao hơn.

Các đại biểu cắt băng phát lệnh xuất phát xe chở lô gạo xuất khẩu đầu tiên năm 2021. Ảnh: Ngọc Thắng
Các đại biểu cắt băng phát lệnh xuất phát xe chở lô gạo xuất khẩu đầu tiên năm 2021. Ảnh: Ngọc Thắng

Giá trị cao kỷ lục
 
 Gọi là kỳ tích bởi lẽ đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát, không ít người cho rằng, lúa gạo cũng sẽ gặp nhiều khó khăn tương tự như các mặt hàng khác. Bởi ở thời điểm đó việc xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng vì dịch bệnh, khiến nhiều đơn hàng của doanh nghiệp (DN) buộc phải hủy bỏ. Quyết định tạm ngừng xuất khẩu gạo từ cuối tháng 3 tiếp tục là lý do khiến hạt gạo gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, trên thực tế, xuất khẩu gạo vẫn gây bất ngờ lớn.
 
 Những kỳ tích của ngành lúa gạo được ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) lý giải, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã làm tăng nhu cầu sử dụng lương thực ở nhiều quốc gia, là cơ hội cho gạo Việt Nam thâm nhập vào thị trường thế giới. “Nỗ lực tái cơ cấu ngành lúa gạo theo hướng chuyển mạnh từ lúa phẩm cấp thấp sang phẩm cấp cao khiến gạo Việt Nam dễ dàng cạnh tranh hơn với những “đối thủ” lớn trên thị trường như Thái-lan, Cam-pu-chia - những quốc gia vốn nổi tiếng là có nhiều loại gạo ngon nhất thế giới”, ông Nam nhấn mạnh.
 
 “Lực đẩy” của hoạt động xuất khẩu gạo còn đến từ việc nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới liên tục được thực thi, đặc biệt là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên hiệp châu Âu (EVFTA), tạo cơ hội lớn cho lúa gạo Việt Nam “cập bến” thị trường châu Âu. Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Phó Cục trưởng Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), dù ban đầu, hạn ngạch mà Liên hiệp châu Âu (EU) cam kết cho Việt Nam chỉ 80 nghìn tấn, song việc chúng ta vào được thị trường này sẽ là bước đầu để các mặt hàng của Việt Nam có chỗ đứng tại châu Âu, là cơ sở để thâm nhập các thị trường khó tính khác. Việc được EU mở cửa thị trường cũng gián tiếp giúp gạo Việt khẳng định chất lượng bởi EU là một trong những thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn cao nhất thế giới.

Hạt gạo Việt chinh phục 2021 -0

 Nhờ “lực đẩy” từ EVFTA, chúng ta đã liên tục có nhiều đơn hàng xuất khẩu với khối lượng lớn, giá trị cao hơn. Đơn cử, ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An đã ký hợp đồng xuất khẩu 3.000 tấn gạo ST20 và Jasmine sang EU. Trong đó gạo thơm ST20 (gạo 5% tấm) được bán với giá hơn 1.000 USD/tấn và gạo Jasmine có giá hơn 600 USD/tấn. Hoặc, Công ty CP Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed) đã xuất khẩu thành công gạo VJ Pearl Rice và gạo thơm RVT sang Hà Lan và Cộng hòa Séc với giá lên đến 1.040 USD/tấn.
 
 Những tín hiệu tích cực đã giúp xuất khẩu gạo năm 2020 đạt khoảng 6,15 triệu tấn, trị giá 3,07 tỷ USD. Mặc dù lượng gạo xuất khẩu giảm khoảng 3,5% so năm 2019, chủ yếu vì mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, nhưng trị giá xuất khẩu lại tăng tới 9,3%. Giá xuất khẩu bình quân cả năm ước đạt 499 USD/tấn, tăng 13,3% so năm 2019. Nhiều thời điểm, giá gạo Việt Nam đã vượt Thái-lan, vươn lên vị trí hàng đầu thế giới.
 
 Nối tiếp những hạt ngọc mùa vàng
 
 Ngay từ thời điểm đầu năm, thị trường gạo khu vực châu Á đã bắt đầu nóng trở lại khi hàng loạt khách hàng rất tiềm năng đang ráo riết mua vào; trong đó điển hình phải kể đến Trung Quốc và Băng-la-đét... Nhiều nước khác có nhu cầu lớn về gạo thơm, gạo nếp, vốn là mặt hàng có lợi thế của DN Việt. Chưa kể, triển vọng xuất khẩu của Việt Nam còn rộng mở nhờ có thêm cơ hội từ một số thị trường mà chúng ta vừa ký kết FTA mới. Cụ thể, trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu (VN - EAEU FTA), các quốc gia thuộc khối này đã cam kết dành 10.000 tấn gạo hạn ngạch thuế quan cho Việt Nam trong năm 2021. Hay với việc kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA), gạo Việt xuất khẩu vào Anh sẽ được giảm thuế về 0% và không có giới hạn về hạn ngạch.
 
 Chia sẻ về định hướng xuất khẩu gạo trong tương lai, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho biết, DN gạo nên tiếp tục chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu sang các loại gạo có giá trị gia tăng cao như gạo thơm, gạo giống Nhật Japonica, gạo dẻo, gạo nếp, giảm trồng các loại gạo cấp thấp. Bởi nếu Việt Nam sản xuất loại gạo cấp thấp sẽ không cạnh tranh được với gạo của Ấn Độ và Pa-ki-xtan. Việc đầu tư gạo chất lượng cao vừa nâng cao giá trị xuất khẩu, đồng thời thâm nhập các thị trường lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước thuộc EU...
 
 Giá gạo xuất khẩu tăng đã đẩy giá lúa gạo tại thị trường đồng bằng sông Cửu Long cả năm 2020 biến động theo chiều hướng tăng, với giá lúa thường tăng khoảng 1.500 - 2.000 đồng/kg; lúa chất lượng cao tăng khoảng 1.000 - 1.200 đồng/kg, tùy từng thời điểm và mùa vụ. Đây có lẽ là thành tích quan trọng và ấn tượng nhất, bởi thành tích xuất khẩu gạo sẽ đo được chính xác nhất bằng chính những hiệu quả mang lại cho người nông dân trồng lúa, những người đang tiếp tục gieo hạt ngọc tạo nên những mùa vàng bội thu.
 
 

Theo dự báo của VFA, xuất khẩu gạo trong năm 2021 vẫn tốt bởi nhu cầu về lương thực còn tiếp tục tăng khi các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Phi-li-pin, các nước Đông - Nam Á, châu Phi... tiếp tục ký hợp đồng mua gạo của Việt Nam.