Giải pháp cho thiếu vốn dài hạn

Mục tiêu đặt ra trong năm 2018 là phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) phải đạt 275.970 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau 7 tháng, đến nay mới thực hiện được 38% kế hoạch. Con số khiêm tốn này sẽ tạo tác động thế nào đến nền kinh tế?

Theo lý giải của bà Phan Thị Thu Hiền, Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính), thực chất, phát hành TPCP từ đầu năm đến nay chậm so với tiến độ không phải do công tác phát hành, mà do giải ngân vốn đầu tư chậm, đặc biệt trong bốn tháng đầu năm.

Xét về bản chất, vốn TPCP là vốn đi vay, sử dụng đến đâu vay nợ đến đó, không phải là nguồn vốn vay về rồi đem gửi ngân hàng. Do đó, khi phát hành phải tính đến khoản tồn dư ngân quỹ và thu ngân sách nhà nước (NSNN). Trong trường hợp tồn dư ngân quỹ vẫn còn nhiều, thu ngân sách vượt chi thường xuyên và chi đầu tư, việc vay nợ không nhất thiết phải thực hiện đúng theo kế hoạch.

Năm nay, Thủ tướng Chính phủ giao huy động TPCP 146.770 tỷ đồng để trả nợ gốc, mục tiêu đặt ra là khoản huy động nói trên phải đủ để bảo đảm không xảy ra nợ quá hạn. Phân tích kỹ ra, huy động TPCP 42.230 tỷ đồng về cho vay lại thì tùy thuộc vào đối tượng vay lại có hấp thụ được vốn vay hay không. Vay để bù đắp bội chi 195.000 tỷ đồng phụ thuộc vào tiến độ giải ngân dự án đầu tư công. Và cuối cùng, việc có phát hành đủ con số của kế hoạch năm 2018 hay không là do Quốc hội quyết định, nếu Quốc hội quyết định giảm bội chi như năm 2017 giảm bội chi 6.000 tỷ đồng thì không nhất thiết phải huy động đủ vốn theo kế hoạch, bà Hiền lý giải.

Tuy nhiên, nhìn rộng ra thị trường vốn dài hạn, rõ ràng một câu hỏi khác buộc phải tính đến. Đó là liệu thị trường TPCP có thật sự bền vững được khi chúng ta còn thiếu vốn dài hạn?

Muốn giải được bài toán này, Bộ Tài chính cần nỗ lực tìm kiếm nguồn vốn dài hạn cho thị trường TPCP. Hiện nay đã có được những kết quả bước đầu. Chẳng hạn như, vào thời điểm cuối năm 2014, các ngân hàng thương mại nắm giữ đến 79,7% thị phần TPCP, chủ yếu là TPCP kỳ hạn ngắn, thường là 3 đến 5 năm. Nhưng tỷ lệ này hiện đã thay đổi. Các ngân hàng thương mại chỉ còn nắm giữ 51,1% thị phần, số còn lại là do các định chế có nguồn vốn dồi dào nắm giữ như Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, doanh nghiệp bảo hiểm, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài và các nhà đầu tư khác nắm giữ.

Theo thống kê, 85% số dư tiền gửi tại các ngân hàng thương mại là tiền gửi tiết kiệm của cư dân. Do đó, để thu hút một phần số tiền này, Bộ Tài chính đã và đang nỗ lực phát triển thị trường bảo hiểm để thu hút người dân dành một phần số tiền gửi ngân hàng tham gia mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm sử dụng tiền phí bảo hiểm đầu tư vào thị trường TPCP. Nếu tiếp tục phát triển thị trường bảo hiểm thì sẽ có được nguồn vốn dài hạn đầu tư vào thị trường TPCP. Và đó là con đường để thị trường TPCP nâng cao tính bền vững.