Dự án 10 năm “đứng yên”

Ngày 12-11, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tiếp tục tổ chức hội nghị mời các cơ quan, ban, ngành, chuyên gia và nhà đầu tư tham gia, với nội dung bàn luận về báo cáo cuối kỳ tiền khả thi về dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, việc nghiên cứu dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đã kéo dài đúng một thập kỷ. Ông Đông không giấu được sự thất vọng, khi thừa nhận, đến nay “thật sự chúng ta vẫn chưa có câu trả lời là dự án này có được thông qua hay không?”.

Sự thất vọng của ông Đông là có lý. Vì về cơ bản, những thông số chính của báo cáo cuối kỳ tiền khả thi dự án được đưa tới các chuyên gia lần này không khác nhiều với dự án 10 năm trước vốn đã được Bộ Chính trị chấp thuận chủ trương, nhưng bị Quốc hội bác, với lý do “còn nhiều tranh cãi, yêu cầu nghiên cứu kỹ hơn để khẳng định hiệu quả”.

Trong tư cách người đại diện cho Bộ GTVT, cơ quan chủ trì lập dự án, ông Đông hiểu rõ, khi báo cáo cuối kỳ tiền khả thi đã không thể thống nhất, thì quá khó để dự án được thông qua tại Quốc hội. Trong khi, thời hạn trình Chính phủ đã sắp hết, kèm theo đó lịch để trình Quốc hội đã được quyết định vào năm 2019.

Sự thất vọng ấy, cũng có thể nhìn nhận, từ sự quá sức phần nào với Bộ GTVT khi xử lý yêu cầu của Quốc hội, đó là phải “khẳng định hiệu quả của dự án”.

Để đánh giá về hiệu quả của dự án đường sắt, sẽ là cần thiết phải nhìn lại sự hình thành của mô hình vận tải này tại Việt Nam. Vì nếu tính từ năm 1858, khi thực dân Pháp bắt đầu xâm lược nước ta, thì chỉ 23 năm sau, tới năm 1881, thực dân Pháp đã chính thức khởi công tuyến đường sắt đầu tiên.

Phải mất tới 55 năm, từ năm 1881 tới năm 1936, để hoàn thành tuyến đường sắt xuyên Việt nối tới biên giới với Trung Quốc. Đây là tuyến đường trục quan trọng nhất trong mạng lưới đường sắt xuyên Đông Dương - một mục tiêu nền tảng trong tham vọng đô hộ ba nước Đông Dương của thực dân Pháp.

Tham vọng mạng lưới đường sắt Đông Dương của người Pháp vĩnh viễn không thực hiện được. Nhưng cho đến nay, đường sắt vẫn là “di sản vật chất” còn lại. Tuyến đường sắt ấy, vẫn quan trọng một cách bất đắc dĩ.

Quan trọng vì dù đã cũ kỹ, lạc hậu cả trăm năm với đường sắt hiện đại, chỉ có vai trò thứ yếu trong hệ thống giao thông quốc gia, tuyến đường sắt ấy vẫn bất đắc dĩ là đại diện cho vận tải đường sắt của một quốc gia phát triển năng động, hiệu quả như Việt Nam.

Nói điều đó ra để thấy, xây dựng đường sắt là đầu tư cho hàng trăm năm phát triển, chứ không phải vài chục năm như đường bộ. Xây dựng đường sắt là đặt nền tảng phát triển tương lai quốc gia, dân tộc, vượt ra khỏi tầm nhìn phát triển kinh tế vài chục năm trước mắt. Do đó, thiết nghĩ, cũng không nên đặt vấn đề Bộ GTVT phải chứng minh hiệu quả đầu tư đường sắt, vì đó là công việc của Quốc hội, trong vai trò là cơ quan hoạch định và giám sát xây dựng chiến lược phát triển cho quốc gia, dân tộc.