Đo độ khó tăng trưởng

Cùng trong sáng 5-5, đã diễn ra hai sự kiện quan trọng, đó là cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 và phiên họp thẩm tra báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2019, kết quả thực hiện những tháng đầu năm 2020 do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức.

Tác động của đại dịch Covid-19 cộng hưởng với đà suy giảm từ năm 2019 đã ảnh hưởng toàn diện đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Theo thông tin mới nhất được cập nhật tại hai cuộc họp, tăng trưởng quý I năm nay chỉ đạt 3,82%, mức thấp nhất trong 10 năm, tổng thu cân đối ngân sách bốn tháng giảm 5,9% so cùng kỳ năm 2019, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động thấp kỷ lục... Tuy vậy, so các nước trong khu vực và trên thế giới đây là mức tăng trưởng khá.

Cũng tính chung bốn tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 4,3% so cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa chiếm 80,6% tổng mức, tăng nhẹ (0,4%) do hình thức mua sắm trực tuyến được người tiêu dùng ưa chuộng trong thời gian gần đây. Số lượt khách quốc tế vào Việt Nam giảm 37,8%. Các hoạt động dịch vụ khác như vận tải, nhất là vận tải hàng không, dịch vụ lưu trú, ăn uống... đều bị ảnh hưởng nặng nề.

Các doanh nghiệp (DN) đều thận trọng trong việc đầu tư thêm vốn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Số lượng DN thành lập mới trong bốn tháng đầu năm có xu hướng chững lại, số vốn bổ sung hoặc cam kết đưa vào kinh doanh giảm so cùng kỳ năm 2019. Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một DN đạt khoảng 11,8 tỷ đồng, giảm 5,5% so cùng kỳ. Số DN tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn tăng mạnh so cùng kỳ (tăng 33,6%), nhất là tại các lĩnh vực: kinh doanh bất động sản; nghệ thuật, vui chơi và giải trí; dịch vụ lưu trú và ăn uống; du lịch; giáo dục và đào tạo và vận tải, kho bãi.

Điểm đáng nói, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở mức thấp kỷ lục. Quý I vừa qua, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước giảm 144.200 người so cùng kỳ năm 2019; tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ước đạt 75,4%, giảm 1,3 điểm phần trăm, thấp nhất 10 năm qua.

Nền kinh tế của Việt Nam có độ mở rất lớn, trong khi đó ảnh hưởng của dịch bệnh rất sâu rộng trên toàn cầu, do đó, tại cuộc họp thẩm tra báo cáo của Chính phủ, các đại biểu Quốc hội rất lo lắng về việc hiện thực các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội năm 2020. Được biết, tại cuộc họp thường kỳ tháng 5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị các thành viên Chính phủ xem xét điều chỉnh một số chỉ tiêu để báo cáo Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, Quốc hội thời gian tới.

Việt Nam vẫn còn dư địa để cải cách và tăng trưởng. Quyết tâm cao của Chính phủ trong tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng là cần thiết, nhưng lúc này cũng cần tính đến những kịch bản tương ứng với các dự báo tiến độ dập dịch, mỗi kịch bản đi kèm với toàn bộ chỉ tiêu và những kiến nghị cụ thể. Điều đó là cần thiết để Chính phủ điều hành linh hoạt, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội ông Đỗ Văn Sinh đề nghị.