Cổ phần hóa “nhỏ giọt”

Mới đây, đánh giá về tình hình cổ phần hóa (CPH), thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) trong bảy tháng đầu năm, Cục trưởng Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) Đặng Quyết Tiến bày tỏ lo ngại về tiến độ triển khai vẫn rất chậm. Cụ thể, lũy kế đến hết tháng 7 này, mới có 35/127 doanh nghiệp (DN) đã CPH thuộc danh mục phải CPH theo Công văn số 991/TTg- ĐMDN ngày 10-7-2017 về phê duyệt Danh mục DNNN hoàn thành CPH theo từng năm giai đoạn 2017-2020. Số lượng DN còn phải CPH là 92/127 DN, chiếm 72% kế hoạch, rất chậm so kế hoạch đề ra. Nguyên nhân của việc CPH “nhỏ giọt”, được ông Tiến chỉ ra là do “thiếu sự quyết liệt mặc dù đã được đôn đốc, nhắc nhở nhiều lần”.

Đi vào chi tiết, ông Trần Nguyên Nam, Ban Kế hoạch tổng hợp, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), cho rằng, cái khó nhất là do các quy định hiện hành chủ yếu mới chỉ dừng ở các quy định khung, mang tính nguyên tắc nên trong quá trình thực hiện, DNNN thường xuyên phải hỏi ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành để xử lý các vấn đề phát sinh. Ngoài ra, còn tồn tại nhiều vướng mắc, thí dụ như tỷ lệ sở hữu của cổ đông nhà nước quá nhỏ hoặc đã có cổ đông khác sở hữu chi phối tại DN; nhất là DN làm ăn yếu kém, thua lỗ kéo dài... làm giảm sự hấp dẫn của phần vốn nhà nước chào bán.

Không chỉ chậm trong CPH, thoái vốn, số DN sau khi CPH chậm niêm yết đến nay vẫn còn khá nhiều. Theo rà soát của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và bổ sung của Bộ Tài chính, đến nay còn 780 DN CPH phải thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán. Được biết, trong tháng 8 này, UBCKNN sẽ tiếp tục rà soát để công bố danh sách DN chậm niêm yết và tiếp tục xử phạt nếu DN không thực hiện đúng quy định.

Phát biểu chỉ đạo tại một cuộc họp về CPH hồi đầu tháng 7-2019, Ban Chỉ đạo T.Ư về đổi mới và phát triển DN, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Từ nay tới hết năm 2019, các bộ, ngành hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan tới CPH, thoái vốn trong đó tiếp tục rà soát toàn diện các văn bản pháp luật liên quan để ban hành hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc khó khăn theo thẩm quyền, bảo đảm rõ ràng, minh bạch, khả thi trong triển khai thực hiện; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Chỉ đạo này cho thấy, chúng ta chỉ có thể đẩy nhanh tiến độ đi đôi với nâng chất lượng CPH khi giải quyết được nút thắt về cơ chế, chính sách. Chúng ta cần có một cơ sở pháp lý đủ mạnh, đủ chặt chẽ thì những đơn vị tổ chức, cá nhân tham gia quá trình CPH mới có đủ công cụ để đưa ra những quyết định thoái vốn hiệu quả, vừa hạn chế thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình CPH, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho việc bán cổ phần và thu hút được các nhà đầu tư có tiềm năng, đồng thời quan tâm, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người lao động. Và cũng cần phải nhấn mạnh rằng, một trong những mục tiêu đầu tiên của CPH là bảo đảm lợi ích cao nhất cho Nhà nước, không gây thất thoát ngân sách, tuy nhiên vẫn cần lưu ý vào các mục tiêu dài hạn và quan trọng hơn như giúp nâng cao năng lực quản trị DN; giữ gìn thương hiệu ngành nghề kinh doanh chính để từ đó tạo điều kiện cho phát triển bền vững của cả nền kinh tế trong dài hạn.