Chỉ thị về phát triển bền vững

Tại Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững 2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) soạn thảo, trình Thủ tướng ban hành Chỉ thị về phát triển bền vững (PTBV). Vì sao phải có chỉ thị này?

Chia sẻ về PTBV, Thủ tướng cho rằng, từ tăng trưởng kinh tế cho đến phát triển kinh tế, rồi PTBV không đơn thuần chỉ là sự thay đổi tên gọi, mà ẩn sau đó là cả những nội hàm rất sâu sắc xuất phát từ quá trình thay đổi nhận thức.

Giờ đây, khi thế giới phải trả giá quá đắt cho giai đoạn coi tăng trưởng kinh tế chỉ nhằm mục đích là gia tăng thu nhập quốc dân trên đầu người. Không chỉ là những tác động gây nên biến đổi khí hậu với hệ lụy khôn lường, tăng trưởng theo cách này còn khiến tình trạng phân hóa giàu nghèo ngày càng gia tăng giữa các nhóm người và giữa các vùng miền, là mầm mống của sự bất mãn và căng thẳng xã hội. Tình trạng nhiều trẻ em không được học hành và suy dinh dưỡng, tình trạng phân biệt giới tính, phân biệt chủng tộc… tương phản hoàn toàn với chỉ báo tăng trưởng kinh tế.

Để khắc phục nhược điểm của thước đo tăng trưởng kinh tế, thì nay chúng ta bổ sung thêm khái niệm phát triển kinh tế, tiếp theo là PTBV. Xuyên suốt hơn 30 năm qua, chiến lược PTBV của Việt Nam luôn được xây dựng dựa trên ba trụ cột gồm bền vững kinh tế, bền vững xã hội và bền vững môi trường. Việt Nam vẫn luôn nhất quán với chủ trương phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, hướng tới yêu cầu cao trong PTBV.

Tuy nhiên, PTBV là mục tiêu bao trùm không chỉ là nhiệm vụ của một bộ, ngành, một lĩnh vực, không chỉ là vấn đề kinh tế, chất lượng tăng trưởng, mà bao gồm cả vấn đề xã hội, môi trường, văn hóa, con người, cần thống nhất cả trong nhận thức và hành động của tất cả các cấp, các ngành và toàn xã hội.

Phát triển bền vững là trách nhiệm chung của hệ thống chính trị, toàn xã hội và mỗi cá nhân.

Muốn vậy, yêu cầu cải cách thể chế kinh tế, giải phóng sức sản xuất, tạo thuận lợi nhất cho mọi người dân phát huy hết khả năng của mình, chung tay xây dựng xã hội thịnh vượng, bền vững phải được đặt làm trọng. Điểm mấu chốt chính là nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, an toàn, minh bạch, giảm cả chi phí tài chính và thời gian, hướng tới mức trung bình của ASEAN-4, làm nền tảng hướng tới chuẩn mực của OECD.

Thủ tướng đã nhấn mạnh, con đường phía trước của Việt Nam đòi hỏi thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh, chất lượng nguồn lực con người và tăng cường khả năng tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Hãy cùng nhau nỗ lực hợp tác xây dựng thể chế vững mạnh, một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phát triển, môi trường sống trong lành, xã hội phát triển hài hòa, thịnh vượng để chúng ta có thể “tự hào hát mãi lên Việt Nam ơi”.