Cân nhắc với thuế

Đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường với mức kịch khung đối với xăng dầu từ ngày 1-7 tới đây đang tạo nên những lo ngại đối với đa số doanh nghiệp và người tiêu dùng. Theo ước tính của Bộ Tài chính, với mức thuế bảo vệ môi trường mới, mỗi năm, ngân sách sẽ thu thêm từ xăng dầu là 14.368 tỷ đồng.

Con số này có ý nghĩa nhất định khi đặt trong bối cảnh nguồn thu thuế nhập khẩu với riêng mặt hàng xăng dầu khi thực hiện các cam kết hội nhập đã giảm mạnh. Chẳng hạn như, nếu tính theo sản lượng thực tế nhập khẩu từ các năm 2015 - 2016 và 2017, với giá tính thuế nhập khẩu thời điểm tháng 3-2018 và áp dụng mức thuế nhập khẩu MFN 40% so với áp dụng mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định ATIGA 20% và Hiệp định VKFTA (Việt Nam - Hàn Quốc) là 10%, số thu thuế từ xăng dầu có sự giảm mạnh. Theo đó, sẽ giảm từ 53.000 tỷ đồng năm 2015 xuống còn khoảng 13.400 tỷ đồng năm 2016 (giảm 39.600 tỷ đồng); xuống còn khoảng 14.100 tỷ đồng năm 2017 (giảm khoảng 38.900 tỷ đồng so với năm 2015) và sẽ chỉ còn 10.300 tỷ đồng trong năm 2018.

Ngược trở lại thời điểm tháng 3-2016, Bộ Công thương từng có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về điều khoản thuế nhập khẩu xăng dầu trong Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA). Cụ thể, thuế suất là 10%, thấp hơn cam kết trong các hiệp định khác được coi là bất ngờ và chỉ tới khi tiến hành rà soát lại mới phát hiện được điều này. Kết quả là NSNN đã giảm thu khoảng 5.000 tỷ đồng trong năm 2016 do các doanh nghiệp chuyển hướng sang nhập khẩu xăng dầu từ Hàn Quốc để được hưởng lợi từ thuế.

Một báo cáo khác của Tổng cục Hải quan đưa ra cuối quý I năm 2018 cũng cho thấy, giảm thu do thực hiện các cam kết từ các Hiệp định thương mại tự do trong năm nay ở khâu thu thuế xuất nhập khẩu là khoảng 30.000 tỷ đồng. Trong đó, giảm thu từ thuế nhập khẩu xăng dầu thành phẩm do Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đi vào vận hành trong quý II - 2018 được tính toán là khoảng 8.300 tỷ đồng.

Dĩ nhiên, giảm thu ở phần xuất nhập khẩu sẽ khiến các cơ quan hữu trách, mà cụ thể là Bộ Tài chính phải “tìm cách” bù đắp lại ở khâu thu thuế nội địa. Trong vòng một năm lại đây, Bộ Tài chính đã dồn dập đề xuất tăng các loại thuế với lý do để phù hợp với thông lệ thế giới và tăng thu cho ngân sách nhà nước.

Nhiều sắc thuế trong số này khi được đưa ra đã bị phản ứng dữ dội của dư luận như dự thảo Luật Thuế tài sản, Luật Thuế GTGT; Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt; Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp; Luật Thuế thu nhập cá nhân; Luật Thuế tài nguyên; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và mới đây là Thuế Bảo vệ môi trường.

Ổn định giá cả là mong ước không những của người dân (nhất là của người có thu nhập bằng lương tháng) mà còn là mục tiêu của các nhà quản lý kinh tế. Với thực tế xăng dầu là đầu vào của hầu hết các ngành, lĩnh vực sản xuất và đời sống của người dân, mà cụ thể đang chiếm tới 40% giá cước vận tải, nên nếu giá xăng dầu tăng do tăng thuế bảo vệ môi trường, giá cước vận tải sẽ không thể đứng im.

Bởi vậy, việc đưa ra những mức thuế mới hay tăng mạnh thuế cần được cân nhắc kỹ. Làm sao khoan sức dân và nuôi dưỡng nguồn thu cũng cần được tính toán để thuế không chiếm tỷ trọng cao trong GDP như khuyến nghị mà nhiều nhà kinh tế đã nêu ra.