Bảo đảm minh bạch giá điện

Sau khi các phương tiện thông tin đại chúng liên tục đưa tin về việc hóa đơn tiền điện tăng cao, ngày 23-6, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có thông cáo về tình hình sử dụng điện trong các tháng 5 và tháng 6-2020. Thông cáo cũng khẳng định, sai sót về việc ghi chỉ số tiêu thụ điện trong thời gian qua là mang tính cá nhân, còn hệ thống phần mềm quản lý chỉ số điện năng của EVN hoạt động bình thường, hiệu quả, hơn nữa đã được khẳng định trong thực tế là góp phần giảm bớt sự sai sót và can thiệp của con người. Cũng vì lỗi cá nhân này mà đã có những giám đốc đơn vị và cá nhân liên quan việc ghi sai chỉ số công-tơ đã bị kiểm điểm kỷ luật vì không phát hiện được sai sót khi thực hiện công tác ghi, kiểm tra, phúc tra chỉ số.

Cũng theo khẳng định của tập đoàn, EVN đã thực hiện nghiêm túc việc phúc tra cho 100% số khách hàng có sản lượng tăng đột biến từ 1,3 lần so với tháng liền kề trước đó. Các trường hợp phát hiện sai sót, EVN chỉ đạo phải thực hiện xử lý hóa đơn tiền điện cho khách hàng đúng quy định. Các công ty điện lực được chỉ đạo nghiêm túc chấn chỉnh việc thực hiện lịch ghi chỉ số, gửi thông báo tiền điện, hóa đơn tiền điện theo mẫu mới đến khách hàng qua email, Zalo, hoặc ứng dụng (App) “Chăm sóc khách hàng” để khách hàng chủ động so sánh việc sử dụng điện với các tháng trước và cùng kỳ năm trước…

Trên thực tế, việc thu thập dữ liệu về chỉ số tiêu thụ điện, lịch ghi chỉ số công-tơ được quy định trong Hợp đồng mua bán điện. Hiện nay có hai cách thu thập, một là được thực hiện hoàn toàn tự động và từ xa đối với các công-tơ điện tử. Và thứ hai là, đối với công-tơ cơ được áp dụng việc ghi chỉ số bằng phần mềm trên máy tính bảng. Loại này có các tính năng cảnh báo vượt sản lượng, các tính năng hỗ trợ phát hiện các số liệu bất thường để nhân viên ghi chỉ số thực hiện kiểm tra, bảo đảm hạn chế tối đa việc xảy ra sai sót trong công tác ghi chỉ số và lập hóa đơn tiền điện.

Vậy tại sao việc thu thập vẫn xảy ra sai sót ở một số địa phương tại Hải Dương, Quảng Bình, Quảng Ninh…? Đó là sự cố nghiệp vụ của cá nhân hay còn tồn tại lỗ hổng trong việc bảo đảm sự minh bạch của giá điện? Liệu có bất cập trong việc áp dụng biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang?... Hy vọng câu trả lời sẽ có sau khi Đoàn công tác được thành lập theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ kết thúc đợt làm việc. Thành phần đoàn có sự tham gia của các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công thương, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng và Hội Bảo vệ người tiêu dùng sẽ tập trung vào kiểm tra, xác minh việc hóa đơn tiền điện tăng trong thời gian qua.

Tháng 6 đang vào đợt nắng nóng cao điểm tại miền bắc và miền trung, chuyện những hóa đơn tiền điện tăng vọt chắc chắn còn xảy ra. Liên quan đến câu chuyện hóa đơn tiền điện, cũng cần tính đến vai trò của khách hàng sử dụng điện. Được bảo hộ về quyền lợi, một người sử dụng điện thông minh sẽ hiểu về quyền được giám sát ghi chỉ số công-tơ của các đơn vị điện lực, cũng như sẽ nắm bắt được cách thức phản hồi đến các kênh “chăm sóc khách hàng” để được giải quyết trong vòng 24 giờ như cam kết từ phía EVN. Một điều quan trọng nữa, đó chính là ý thức trong sử dụng điện, nhất là vào giờ cao điểm. Xin lưu ý, khi nhiệt độ ngoài trời tăng thêm 1 độ C, lượng điện tiêu thụ của điều hòa tăng từ 2% đến 3%. Nếu nhiệt độ ngoài trời tăng thêm 5 độ C, lượng điện tiêu thụ của điều hòa tăng thêm 10%. Đặt điều hòa ở nhiệt độ hợp lý không chỉ bảo vệ sức khỏe mà còn bảo vệ chính túi tiền của gia chủ.