Tăng cường giám sát, nâng cao chất lượng đảng viên nơi cư trú

Tăng cường kết nối với cơ sở, khắc phục tình trạng xa dân của cán bộ, đảng viên. Những kết quả bước đầu ấy của Hà Nội khi Mặt trận Tổ quốc tham gia giám sát đối với đảng viên nơi cư trú theo tinh thần Quy định 76-QĐ/TW của Bộ Chính trị sẽ tiếp tục được phát huy để nâng cao chất lượng đảng viên, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh từ cơ sở.

Cán bộ Ủy ban MTTQ phường Giang Biên (quận Long Biên) thảo luận việc triển khai giám sát, nhận xét đảng viên hai chiều tại nơi cư trú. Ảnh: TUỆ PHƯƠNG
Cán bộ Ủy ban MTTQ phường Giang Biên (quận Long Biên) thảo luận việc triển khai giám sát, nhận xét đảng viên hai chiều tại nơi cư trú. Ảnh: TUỆ PHƯƠNG

Bớt hình thức

Thực tế cho thấy, khi chưa có chủ trương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tham gia giám sát, nhận xét đảng viên hai chiều, việc nhận xét đảng viên ở nơi cư trú chủ yếu thuộc trách nhiệm của cấp ủy. Mẫu biểu đánh giá còn chung chung, phiếu ý kiến gửi Chi ủy và Ban Công tác mặt trận, nhưng lại không bắt buộc có chữ ký xác nhận của Ban Công tác mặt trận. Do vậy, vai trò của mặt trận trong nhận xét, đánh giá đảng viên sinh hoạt hai chiều không rõ. Trước đây, trong quá trình triển khai nhận xét, đánh giá do mối quan hệ họ hàng, tình làng, nghĩa xóm..., cho nên một số ý kiến đóng góp còn chung chung, chủ yếu đánh giá về ưu điểm, ngại đánh giá về khuyết điểm, thậm chí có tư tưởng "dĩ hòa vi quý".

Để khắc phục tình trạng này, ngày 12-11-2014, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội đã ban hành Hướng dẫn (tạm thời) số 31 về việc giám sát và nhận xét của Ban Công tác mặt trận đối với đảng viên đang công tác tại các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp nơi cư trú. Nội dung giám sát gắn thiết thực với cơ sở như việc chấp hành trật tự xây dựng đô thị; gia đình không có người vi phạm các tệ nạn xã hội; không tham gia hoạt động mê tín dị đoan; tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường; thực hiện quy ước, hương ước nơi cư trú, thực hiện nếp sống văn minh nơi công cộng... Trên cơ sở phiếu tự đánh giá của đảng viên, Ban Công tác mặt trận họp, mời trưởng thôn hoặc tổ trưởng dân phố nhận xét rồi thống nhất kết quả giám sát, đánh giá đối với đảng viên.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội Bùi Anh Tuấn, đây là một chủ trương đúng đắn và rất cần thiết để nêu cao vai trò của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tính tiền phong gương mẫu của người đảng viên để từ đó có phương hướng bồi dưỡng và sử dụng cán bộ tốt hơn. Đồng thời là kênh thông tin quan trọng giúp cho cấp ủy cơ sở phát huy dân chủ trong việc đánh giá, phân loại đảng viên, tăng cường mối quan hệ phối hợp của cấp ủy cơ sở nơi đảng viên công tác với cấp ủy cơ sở nơi cư trú trong việc quản lý, kiểm tra đảng viên thực hiện nghiêm nhiệm vụ đảng viên, nghĩa vụ công dân, khắc phục biểu hiện xa dân của một số đảng viên.

Đánh giá cụ thể hơn

Nhiều Trưởng ban Công tác mặt trận khu dân cư nhận định, trước đây, việc nhận xét đảng viên nơi cư trú chỉ là nhận xét của chi ủy, nay có thêm ý kiến của Trưởng ban Công tác mặt trận đã làm tăng tính khách quan, hạn chế việc nể nang. Đây chính là “sợi dây” gắn bó đảng viên với các phong trào, cuộc vận động do mặt trận và các cấp phát động tại địa bàn dân cư. Trưởng ban Công tác mặt trận khu dân cư số 4, thị trấn Đông Anh (huyện Đông Anh) Vũ Văn Thiệp khẳng định, việc nhận xét đảng viên có thêm ý kiến của Trưởng ban Công tác mặt trận khu dân cư đã tăng tính khách quan hơn, hạn chế tình trạng nể nang. Chủ tịch Ủy ban MTTQ quận Đống Đa Đỗ Văn Nam cho biết, qua giám sát của Mặt trận, có trường hợp đảng viên có hộ khẩu trên địa bàn, nhưng thời gian dài không ở địa phương, không tham gia sinh hoạt hai chiều, cho nên chúng tôi đã đề nghị xóa tên để bảo đảm sự nghiêm túc.

Nhờ các biện pháp cụ thể, đến nay, hầu hết đảng viên đang công tác đã thay đổi nhận thức, giúp cho việc giám sát, nhận xét của Ban Công tác mặt trận trở nên thuận lợi hơn. Trưởng ban công tác mặt trận khu phố 2, phường Bạch Đằng (quận Hai Bà Trưng) Vũ Văn Ngọc cho biết: "Từ khi thực hiện theo hướng dẫn của MTTQ thành phố Hà Nội, hầu hết đảng viên ở nơi cư trú đã nhận thức được trách nhiệm của mình cho nên đều thực hiện nghiêm với thái độ cầu thị".

Mặc dù đã góp phần khắc phục hạn chế trong công tác nhận xét, giám sát đảng viên hai chiều, nhưng trên thực tế công tác này vẫn cần được tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc. Như là việc có nhiều đảng viên hộ khẩu ở một nơi nhưng sinh sống ở nơi khác, nhưng đến cuối năm lại chuyển bản nhận xét đảng viên nơi cư trú về chi bộ nơi có đăng ký hộ khẩu để nhận xét. Với những trường hợp này, chi bộ khó có cơ sở để nhận xét chính xác. Rồi sự phối hợp của chính quyền và các đoàn thể chính trị - xã hội với Ban Công tác mặt trận ở một số nơi trong việc giám sát, nhận xét chưa thật sự chặt chẽ. Ở những địa bàn dân cư có số cán bộ, đảng viên đông, cán bộ Ban Công tác mặt trận không biết hết được các đảng viên sinh hoạt hai chiều, không có điều kiện gặp gỡ, tiếp xúc, cho nên việc giám sát, nhận xét chưa sát thực tế. Bên cạnh đó, dù nhiều địa phương đã thực hiện rất nghiêm nhưng một số đảng viên vẫn có ý kiến về thủ tục rườm rà. Vì thế, nên chăng cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn của chính quyền.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội Bùi Anh Tuấn cho biết, MTTQ thành phố đã nghiêm túc tiếp thu và tháng 4-2018 ban hành Hướng dẫn chính thức số 60 về việc giám sát và nhận xét của Ban Công tác mặt trận đối với đảng viên thường xuyên ở nơi cư trú, đang công tác tại các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp thay thế cho Hướng dẫn số 31. Theo đó, nội dung đánh giá được sửa đổi, bổ sung theo hướng ngắn gọn, bám sát cuộc sống hơn và sẽ triển khai thực hiện nghiêm từ năm 2018.