Để rừng mãi là lá phổi xanh

Hà Nội có nhiều cánh rừng hùng vĩ, trải rộng trên khắp bảy huyện, thị xã, nhất là các huyện Ba Vì, Sóc Sơn, Mỹ Đức... với tổng diện tích lên tới gần 28 nghìn ha. Rừng vừa là nguồn kinh tế, vừa là lá phổi xanh cho thành phố. Song song với quá trình đô thị hóa, bảo vệ rừng là nhiệm vụ quan trọng của Thủ đô. Tuy nhiên, thời gian qua, đã có không ít diện tích rừng trên địa bàn bị sử dụng sai mục đích.

Trong đó, dư luận quan tâm nhất là những sai phạm xảy ra tại hai xã Minh Phú, Minh Trí (huyện Sóc Sơn). Địa bàn hai xã có đến 45 trường hợp vi phạm đất đai, trật tự xây dựng trên khu vực rừng phòng hộ. Trong đó, một số sai phạm đã xảy ra hàng chục năm nay.

Theo đại diện lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn, sau khi phát hiện những sai phạm, lãnh đạo huyện Sóc Sơn đã chỉ đạo UBND các xã xử lý. Nhưng những công trình vi phạm vẫn "đứng yên tại chỗ". Cá biệt, trong đó, có một số công trình nhà ở có diện tích tổng cộng lên đến vài nghìn mét vuông, xây dựng trong khu vực rừng phòng hộ đã được nêu rõ tại Kết luận số 754/TTCP ngày 17-4-2006 của Thanh tra Chính phủ, nhiều lần bị báo chí phản ánh. Không những thế, một số biệt thự vẫn tiếp tục mọc lên, nhất là khu vực hồ Đồng Đò thuộc xã Minh Trí, nơi có cảnh quan đẹp.

Trước thực tế các tập thể, cá nhân coi thường pháp luật, ngang nhiên phá rừng phòng hộ để xây dựng trên diện tích rất lớn, ngày 10-10-2018, UBND thàng phố Hà Nội đã ban hành Công văn số 4893/UBND-ĐT, giao Thanh tra thành phố tổ chức thanh tra toàn diện việc quản lý sử dụng đất, trật tự xây dựng trong giai đoạn từ năm 2008 đến nay, tại xã Minh Trí và xã Minh Phú, cũng như việc thực hiện các nội dung của kết luận Thanh tra Chính phủ, Thanh tra thành phố. Thành phố yêu cầu các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Xây dựng; Tài nguyên và Môi trường; Quy hoạch - Kiến trúc; UBND huyện Sóc Sơn, Ban quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng Hà Nội có trách nhiệm phối hợp Thanh tra thành phố để thực hiện.

Có thể nói, đây là hành động thể hiện quyết tâm của thành phố trong việc bảo vệ rừng, ngăn chặn những hành vi phá hoại lá phổi xanh. Tuy nhiên, để những cánh rừng được bảo vệ thật sự, trước hết, phải khắc phục tình trạng "trên nóng, dưới lạnh" đã xảy ra. Sai phạm trong quản lý, sử dụng đất rừng không hề nhỏ. Nhiều công trình rộng lên đến vài nghìn mét vuông, thời gian thi công kéo dài nhiều năm, chủ đầu tư phải tập kết rất nhiều máy móc, nhưng không hiểu sao cán bộ quản lý tại địa phương không ngăn chặn ngay từ đầu. Mặc dù lãnh đạo huyện Sóc Sơn cho rằng những vi phạm kéo dài do lãnh đạo các xã không thực hiện chỉ đạo của huyện, song, lý do này chưa thật sự thuyết phục. Với việc thành phố lập đoàn thanh tra, dư luận mong rằng, trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong việc để xảy ra vi phạm tồn tại kéo dài nhiều năm qua phải được làm rõ. Bên cạnh đó, cần quyết liệt thu hồi đất rừng, trả về nguyên trạng, tránh tình trạng nể nang, nhất là đối với một số công trình thuộc sở hữu của những người đã có những hành vi xâm phạm đất rừng. Chỉ có như vậy mới bảo đảm được tính minh bạch, công bằng, tránh được những tiền lệ xấu trong xử lý sai phạm đất rừng có thể xảy ra sau này.