An toàn thực phẩm khi ăn cỗ đông người

Qua hai năm triển khai thí điểm mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm (ATTP) bữa cỗ tập trung đông người tại bốn quận, huyện ở Hà Nội gồm: Long Biên, Thanh Oai, Phú Xuyên và Quốc Oai, đã có nhiều chuyển biến trong thực hiện ATTP. Trong năm 2018, ngành y tế Hà Nội tiếp tục nhân rộng mô hình tại sáu huyện khác của thành phố.
Lực lượng chức năng kiểm tra tại một cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn quận Thanh Xuân. Ảnh: HƯƠNG GIANG
Lực lượng chức năng kiểm tra tại một cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn quận Thanh Xuân. Ảnh: HƯƠNG GIANG

Phó Chi cục trưởng An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Hoàng Thị Minh Thu cho biết, trong thời gian qua, thành phố rất chú trọng công tác quản lý ATTP tại các cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Tuy nhiên, hiện nay trong cộng đồng, các tiệc ma chay, hiếu hỉ, tổ chức các sự kiện với số lượng hàng trăm người tham gia diễn ra khá phổ biến và còn nhiều hạn chế trong quản lý ATTP. Việc tuyên truyền nâng cao nhận thức chưa đầy đủ; các dịch vụ ăn uống tự phát, điều kiện vệ sinh thực phẩm chưa bảo đảm, sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc không rõ ràng. Trong khi đó, chủ hộ gia đình và những người tham gia trực tiếp làm cỗ chưa có kiến thức đầy đủ thực hành ATTP.

Ở các huyện ngoại thành, cỗ tập trung đông người như cỗ cưới, cỗ đám ma đều do gia đình tự nấu hoặc thuê đội nấu cỗ lưu động, khó kiểm soát chất lượng ATTP. Vì vậy, năm 2016, thành phố triển khai thí điểm kiểm soát bữa cỗ tập trung đông người tại bốn quận, huyện. Hiện nay, điều kiện cơ sở vật chất nơi chế biến cỗ thường tạm bợ, thiết bị dụng cụ chế biến chưa đầy đủ, thực hành vệ sinh cá nhân còn nhiều hạn chế, người dân chưa quan tâm đến nguồn gốc thực phẩm. Đối với đội nấu cỗ lưu động, hầu hết đều làm “chui”, không đăng ký kinh doanh hành nghề, không có giấy khám sức khỏe theo quy định. Các gia đình tổ chức bữa cỗ chưa chủ động ký cam kết bảo đảm ATTP với chính quyền địa phương. Tuy nhiên, sau khi thí điểm triển khai quản lý ATTP bữa cỗ đông người đến nay, công tác quản lý đã được nâng lên, chính quyền vào cuộc tích cực, người dân dần nhận thức được tầm quan trọng của việc thực hiện ATTP.

Trong năm 2017, các huyện thí điểm mô hình đã thành lập 34 tổ tư vấn giám sát và đã giám sát được hơn 4.500 bữa cỗ, trong đó 2.122 bữa cỗ đám cưới, 621 bữa cỗ đám ma, 753 bữa cỗ đám giỗ, 1.020 các bữa cỗ khác như tân gia, khao họ… Tổ tư vấn giám sát các điều kiện ATTP tại nơi nấu cỗ, lưu mẫu thức ăn, vận động các hộ dân, tổ nấu cỗ ký cam kết ATTP. Qua xét nghiệm, tỷ lệ mẫu đạt tiêu chuẩn ATTP là 93,2%; có 85,3% nguyên liệu thực phẩm được chứng nhận nguồn gốc rõ ràng, có ghi chép sổ sách; 100% phụ gia thực phẩm nằm trong danh mục cho phép của Bộ Y tế.

Đề cập đến mô hình này, đại diện UBND xã Phượng Cách, huyện Quốc Oai cho biết, toàn bộ các bữa cỗ tại địa phương đều do gia đình tự nấu. Những người chế biến và phục vụ bữa cỗ đều là hàng xóm, láng giềng và anh em đến làm giúp, cho nên kiến thức ATTP còn hạn chế. “Các bữa cỗ ở địa phương thường ăn hai ngày, vì vậy cỗ thừa của ngày hôm trước vẫn để lại sử dụng cho ngày hôm sau. Thực phẩm này nếu không được bảo quản đúng cách rất dễ gây ngộ độc. Chúng tôi phải tổ chức tuyên truyền kiến thức cho người dân hiểu và thực hành đúng quy định về ATTP”, vị đại diện này cho biết.

Tại huyện Phú Xuyên, Phó trưởng Phòng Y tế huyện Đặng Văn Thủy cho biết, huyện triển khai thí điểm mô hình tại mười xã gồm: Nam Triều, Phúc Tiến, Sơn Hà, Đại Thắng, Tri Trung, Đại Xuyên, Chuyên Mỹ, Văn Nhân, Thụy Phú, Châu Can. Các gia đình tổ chức bữa cỗ cũng như các đơn vị kinh doanh nấu cỗ đều phải ký cam kết bảo đảm ATTP. Nhờ đó, trong năm 2017, địa bàn không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào, nhận thức của người dân về ATTP được nâng lên.

Từ những thành công ban đầu của mô hình, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Trần Văn Chung cho biết, năm 2018, Hà Nội tiếp tục triển khai mô hình tại 30 xã thuộc bốn quận, huyện nêu trên và nhân rộng thêm sáu huyện khác trên địa bàn, bảo đảm toàn bộ bữa cỗ tập trung đông người tại các xã triển khai thí điểm được kiểm soát ATTP. Sở Y tế sẽ tham mưu tăng cường vai trò chỉ đạo của các cấp chính quyền, tăng cường phối hợp trong công tác ATTP giữa ngành Y tế và các ban, ngành, đoàn thể. Đồng thời, đề nghị các địa phương tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở có bữa cỗ thực hiện các quy định ATTP, khắc phục những hạn chế về điều kiện vệ sinh. Nhất là các hộ tổ chức bữa cỗ đông người phải bảo đảm nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm rõ ràng, có ghi chép sổ sách để truy xuất nguồn gốc khi cần thiết.