Vướng ở trách nhiệm

- Dân gian có câu “của đau, con xót”, phải không Tư?

- Đúng rồi đó, anh Ba!

- Nhưng anh Ba thấy…

- Thấy chi?

- Phải là của mình chớ của thiên hạ, của chung thì chưa chắc đã xót!

- Ý của anh Ba là “cha chung không ai khóc” chớ chi?

- Ờ, cũng từa tựa vậy. Vì...

- Vì sao, anh Ba?

- Thấy một chuyện rất lớn nói mãi mấy năm nay mà vẫn chưa chuyển biến chi hết!

- Chuyện nói mãi không xuể có không ít, anh Ba nói cụ thể hơn chút nữa coi!

- Là chuyện thành phố có chừng bảy, tám ngàn căn hộ tái định cư bỏ hoang hóa nhiều năm nay. Giờ xuống cấp thảm hại. Để lâu nữa là thành nhà nát, thành đồ bỏ đi không dùng được mà không thấy ai có ý kiến chi hết!

- Chuyện nầy thì em có biết. Thực tế thì không phải là không ai có ý kiến chi mà chánh quyền ở những nơi có các khu chung cư bỏ hoang đã không ít lần đề nghị thành phố rồi các sở, ngành có chức năng, thẩm quyền xem xét, giải quyết như là bán đứt hay cho thuê để vừa tránh lãng phí, vừa khỏi hư hỏng nhà cửa. Nhưng mà…

- Đều rơi vào im lặng, đúng không Tư?

- Cũng không phải im lặng hoàn toàn mà có hồi âm là sẽ xem xét, xử lý!

- Sẽ là tới khi nào đây ta?

- Chuyện đó thì Tư tui không biết mà chỉ nghe nói…

- Nói chi?

- Đang vướng phải một số thủ tục chưa tháo gỡ được nên phải tiếp tục chờ!

- Là những thủ tục chi?

- Em cũng chỉ nghe người ta nói vậy chớ không rành rẽ là vướng ở đâu và ở khâu nào!

- Thủ tục hay chi nữa thì cũng đều do con người sản sinh ra hết. Cũng đâu phải ai xa lạ mà khó ăn, khó nói với nhau. Cái chính là mấy nơi có trách nhiệm, thẩm quyền giải quyết ngồi lại cùng nhau bàn bạc, tìm ra phương án tháo gỡ, xử lý. Khâu nào tự giải quyết được thì xử lý ngay. Khâu nào vượt quá thẩm quyền thì xin ý kiến cấp trên xử lý. Chừng dăm bữa, nửa tháng, cùng lắm là nửa năm xong thôi mà!

- Nghe anh Ba nói vậy, Tư tui chợt nảy ra suy nghĩ là không hẳn là vướng ở thủ tục mà là vướng ở… trách nhiệm. Vì việc nầy vừa lớn, vừa khó mà lợi lộc cá nhân không có cho nên không mấy ai ham dính vô. Có khi là mắc ở đó.