Việc cấp thiết

- Tư tui vẫn nhớ là có ông triết gia hay chi đó bên Hy Lạp nhắc nhở mọi người là “Trước khi nhìn lên bầu trời đừng quên nhìn xuống mặt đất”.

- Nếu anh Ba không nhầm thì người nói câu  đó là 
Xô-crát là nhà triết học cổ đại Hy Lạp sống vào thế kỷ thứ IV - V trước Công nguyên.

- Có nhầm nhọt chút cũng không sao, miễn là có người nổi tiếng uyên bác nói đúng câu đó là được!

- Được cho chuyện chi?

- Chuyện tui muốn nói!

- Là...?

- Là tui thấy người ta nói nhiều tới chuyện xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình nầy nọ...

- Đó là mục tiêu tốt đẹp, rất cụ thể, đâu có chi là siêu  thực đáng để phàn nàn.

- Tư tui không phàn nàn mà Tư tui chỉ muốn... chỉ muốn...

- Muốn chi?

- Như cái ông chi đó nói ở trên đó “Trước khi nhìn lên bầu trời đừng quên nhìn xuống mặt đất”.

- Nghĩa là...?

- Là không chỉ chăm chắm nhìn vô mục tiêu phấn đấu lâu dài ở phía trước mà cũng nên nhìn thẳng vô thực tại có những chuyện chi chưa ổn để mà  tập trung xử lý, giải quyết.

- Cụ thể như...?

- Như  hàng loạt vỉa hè ở một số tuyến đường trung tâm của thành phố bị xuống cấp trầm trọng.

- Trời đất, tưởng chuyện chi nghiêm trọng. Có vậy mà cũng mượn... chuyện trên trời để nói chuyện dưới đất.

- Làm vậy cho thêm phần hấp dẫn, gay cấn. Tư tui chạy xe qua nhiều tuyến đường ngay ở trung tâm thành phố, thấy nhiều nơi vỉa hè không khác chi...

- Tấm áo của bà mẹ nghèo?

- Anh Ba ví von hay quá! Đúng là như tấm áo của bà mẹ nghèo, nơi thì thủng lỗ chỗ do gạch lát bị bong tróc, vỡ nát; nơi thì rách toang, nứt cả một đoạn dài với những hố lồi lõm gây nguy hiểm cho người đi đường. Và cái chính là...

- Là chi?

- Rất mất mỹ quan đô thị. Ai đời, tiếng là trục chính của các  quận mà một loạt như đường Cách Mạng Tháng Tám, Nguyễn Thị Minh Khai, Trường Chinh, Cộng Hòa, Ba Tháng Hai, Nguyễn Tri Phương... nhiều đoạn vỉa hè nát tươm như vừa bị  lũ quét.

- Vỉa hè hư hỏng thì sửa lại, việc đơn giản mà!

- Vấn đề là ở chỗ đó, anh Ba! Việc đơn giản mà đâu có thấy ai ra tay sửa chữa. Cứ để trơ gan cùng tuế, nguyệt bao lâu nay. Chắc phải chuyển từ việc đơn giản sang việc cấp thiết, may ra mới được giải quyết.