Ðừng để bất cẩn thành bất an

Hôm rồi đi tới quận Thủ Ðức…

- Chỗ đó sắp lên thành phố rồi nghe!

- Khi nào lên rồi tính. Chỉ biết là mưa to ngập đường, gần đến nhà bà con ở chỗ đường Võ Văn Ngân nghe mọi người la bải hoải.

- "Cẩn thận, coi chừng sập hố ga", đúng không, anh Ba?

- Ủa, sao chú mầy biết rành quá vậy?

- Thì có lần Tư tui chở khách chạy xe qua đó, đúng lúc trời mưa to, ngập đường, nghe người dân hai bên nhắc chừng y chang câu đó!

- Ờ, hỏi ra mới biết cứ khi trời mưa to, ngập đường, nước thoát không kịp, trào ngược trở lại khiến nhiều hố ga bỗng dưng "há miệng", gây nguy hiểm cho người đi đường. Hồi cuối tháng 9 rồi...

- Có sự cố?

- Bữa mưa to, nước ngập và chảy xiết, một ông lội bộ đạp trúng hố ga "há miệng" rớt xuống may nhanh tay bám được thành hố, la rầm trời, mấy người gần đó xúm tới kéo lên, nếu không thì...

- Thám hiểm lòng cống tới đâu không biết, đúng không anh Ba?

- Chắc là vậy! Ðiều đáng lo ngại là mối nguy hiểm này đã nhiều lần được các hộ dân trong khu vực cảnh báo, phản ánh, song không được chính quyền địa phương và đơn vị quản lý hệ thống cống thoát nước khắc phục, xử lý. Mà không chỉ vậy đâu...

- Còn chuyện nữa sao, anh Ba?

- Khi đường bị ngập sâu do mưa lớn, nhân viên thoát nước đô thị đến điều tiết, mở nắp một số hố ga trên vỉa hè, nhưng không đặt biển cảnh báo.

- Làm vậy thì khác chi đặt bẫy người đi đường. Thiệt là bất cẩn quá đi!

- Vậy mới đáng nói chớ. Mưa ngập đường, dân tình đi lại vất vả đã là một tai họa. Lại thêm mấy cái miệng cống không chịu nổi áp lực nước từ dưới đùn lên "há miệng" chờ chực nuốt người thì đúng là họa vô đơn chí.

- Tư tui nghĩ bên ngành thoát nước phải cắt cử nhân viên canh chừng trên đường Võ Văn Ngân khi mưa ngập, không để ai đi qua khu vực nguy hiểm, tránh sụp "bẫy" hố ga hoặc là phải đặt biển cảnh báo. Nếu không, sự bất cẩn sẽ biến thành bất an cho người đi đường.