Thuận theo tự nhiên

- Nếu bạn đang khó khăn hãy lấy ba tờ!

- Tờ chi?

- Tờ tiền!

- Ai lấy cũng được?

- Bất kỳ ai, nếu thấy mình đang thật sự khó khăn!

- Nếu không khó khăn nhưng vẫn ham nhặt vài tờ thì sao?

-Không sao cả! Nếu lương tâm họ cho phép hay ham muốn vậy thì cứ lấy!

- Nghe cứ như ở trong mơ chớ đâu phải trong đời thực. Ðúng không anh Ba?

- Trật lất à! Có trong đời thật một trăm phần trăm. Mà không ở đâu xa cả!

- Ngay thành phố mình?

- Ngay thành phố mình thôi! Cụ thể là ở 202 Tô Hiến Thành chỗ quận 10, người ta đặt ở đó một thùng tiền toàn tờ năm ngàn đồng. Bên ngoài thùng có…

- Có chi?

- Có tấm giấy ghi dòng chữ “Nếu bạn gặp khó khăn hãy lấy ba tờ”! Và rồi…

- Rồi sao, anh Ba?

- Có những người nghèo tới lấy đúng ba tờ rồi đi. Những người đỡ nghèo hơn, khấm khá hơn cũng tới…

- Lấy ba tờ?

- Không, bỏ vô đó ba hoặc nhiều hơn thế, những tờ năm ngàn đồng. Vì thế, cái thùng tựa như cái nồi cơm của Thạch Sanh, vơi rồi lại đầy. Không bao giờ hết!

- Cái thùng đó có ở đó lâu chưa, anh Ba?

- Khá lâu rồi!

- Bộ không sợ bọn nghiện, tụi cướp bê thùng đi sao?

- Không sợ cho nên không cần ai trông coi mà vẫn nguyên vẹn, không hề hấn chi.

- Chắc trước nghĩa cử cao đẹp của người đặt cái thùng đó, tụi ba trợn cũng thấy nể phục cho nên không dám hay nói đúng ra là không nỡ lòng nào ra tay?

- Không biết có phải vậy không. Nhưng…

- Nhưng sao, anh Ba?

- Từ hồi nào tới giờ cái thùng đó vẫn yên vị ở đó, nhận và cho đi những tờ năm ngàn.

- Năm ngàn mà tới quán cơm hai ngàn đồng ăn là được hai bữa còn dư một ngàn, ba tờ là ăn được tới bảy bữa. Êm bụng được gần ba ngày. Tạm qua được khó khăn. Ai nghĩ ra việc đặt cái thùng tiền đó hay thiệt!

- Người ta làm vậy để sự yêu thương lan tỏa một cách nhẹ nhàng, tự nhiên. Ai khó thì lấy, ai kinh tế khá hơn thì bỏ vô. Kiểu như đói thì ăn, khát thì uống vậy. Không cưỡng cầu, khiến cho người ta khi nhìn vô thùng đó là tự nhiên nghĩ đến chuyện yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ nhau.

- Kiểu vậy gọi là thuận theo tự nhiên đó, anh Ba!