Thông minh từ việc nhỏ

- Bữa hổm tới nay các trục đường chính ở mấy quận trung tâm thành phố kẹt xe liên tục, kéo dài nhiều giờ liền. Không biết tình trạng nầy còn kéo dài tới hồi nào nữa?

- Tới hồi không có nhiều người ra đường nữa là hết kẹt thôi mà, anh Ba!

- Nói như chú mày thì chắc chờ đến bao giờ đây!

- Bộ em nói không đúng sao? Phải ít người mới hết kẹt được chớ. Nhưng mà…

- Mà sao?

- Em cũng thắc mắc y chang anh Ba là sao ngày càng kẹt nhiều hơn vậy. Trong khi chuyện chống kẹt đã được bàn đến, nói đến từ hồi nào tới giờ mà chưa thấy chuyển biến.

- Ừa, anh Ba cũng thấy vậy. Người xe ngày một đông thêm mà đường sá vẫn y nguyên vậy, không mở rộng thêm được tấc nào. Vậy nên phải tính tới chuyện...

- Chung sống với tắc đường, kẹt xe và tìm giải pháp để né. Có phải ý anh Ba là vậy?

- Không chống lại được thì phải tìm cách nương theo mà sống thôi chứ. Kiểu như không đối đầu được nữa thì chuyển qua đối thoại đó!

-Vậy anh Ba tính nương theo kiểu chi đây?

-Nhiều kiểu lắm. Nhưng chủ yếu là dựa vào ý thức của mỗi người. Phải làm cho người ta hiểu rõ điều hiển nhiên là khi đi đường, chen lấn không giải quyết được chi hết mà chịu khó nhường nhau một chút thì sẽ đỡ được nạn kẹt xe. Trước khi ra đường cũng phải tính toán một chút. Việc cần đến sớm thì đi sớm, muộn thì đi muộn. Người trước, kẻ sau vài ba chục phút, không đổ dồn cùng lúc giúp giảm được kẹt xe thêm chút nữa. Rồi…

- Thêm chuyện chi nữa?

- Thành phố cũng nên tính chuyện lắp đặt hệ thống cảnh báo thông minh để công bố kịp thời, rộng rãi tình hình giao thông trên các tuyến đường để người đi ô-tô hay xe gắn máy đều biết nơi nào kẹt, nơi nào không để né. Rồi cũng phải tính tới chuyện bố trí giờ làm việc lệch nhau. Nghĩa là phải sử dụng nhiều chiêu thức.

- Nghe cũng có lý. Mỗi người có một chút ý thức, một cách thức góp vô chút kết quả thì chắc là sống chung với nạn kẹt xe được đó, anh Ba!

- Phải tính toán chi ly vậy chớ. Muốn xây dựng thành phố thông minh, mỗi người dân cũng tự phải thông minh từ những việc nho nhỏ như vậy trước đã!