Ớn tận cổ!

-Hồi nào, người ta hăng hái tranh cãi chuyện “tồn tại hay không tồn tại" của cái loa phường. Giờ thì…

- Thì sao?

- Người ta chuyển sự quan tâm đó sang một chuyện còn phiền phức gấp nhiều lần. Chú mầy có…

- Có biết, là chuyện ka-ra-ô-kê di động “khủng bố” hàng xóm, “tra tấn” phố phường!

- Không sai! Nhà này hát nhà kia cũng hát. Nhà nầy có dàn loa “khủng”, bữa sau, nhà khác sắm một bộ còn khủng hơn! Nghèo sắm bộ ít tiền. Giàu sắm hàng xịn. Khắp nơi ca hát. Hát bất kể giờ nào, bất kể cảm xúc của cả người hát lẫn người nghe. Sáng hát. Trưa hát. Tối hát. Nửa đêm hát. Vui, hát. Buồn, hát. Tỉnh, hát. Say, hát càng hăng hơn!

- Ngày thường còn đỡ. Ngày nghỉ cuối tuần cả khu dân cư như một tiệm ka-ra-ô-kê khổng lồ và bát nháo. Không mấy người chịu thấu!

- Không chịu thấu nhưng vẫn phải chịu. Nhà người ta, miệng người ta đâu dễ can thiệp.

- Người ta nói không sai, sau đô thị hóa là “ka-ra-ô-kê hóa”!

- Giờ làm sao để mà khắc phục, hạn chế tình trạng nầy đây, Tư?

- Anh Ba hỏi khó quá! Mới đầu, nể nhau không nhắc nhở. Tới chừng chịu không nổi nữa mới sang góp ý. Nhưng được vài bữa là đâu lại vô đó. Có nơi họp tổ dân phố, đưa ra góp ý kiến mà người ta đâu có nghe.

- Ờ thì như một ông tổ trưởng dân phố thổ lộ trên báo đó, nhắc thì cứ nhắc, mà muốn hát là hát. Nhắc hoài đâm chán!

- Mà chán thật chớ chi nữa. Chán vì có không ít người thiếu ý thức. Chán vì không có cách chi để trị cho tiệt nọc.

- Nghe nói pháp luật cũng có các quy định xử phạt về chuyện làm phiền người khác theo kiểu đó. Nhưng…

- Nhưng sao?

- Không mấy người biết. Với lại còn liên quan đến đo độ ồn, tần số âm thanh chi chi đó khá phiền phức nên những người có trách nhiệm, thẩm quyền xử lý ngại giải quyết.

- Mấy ổng có quyền, có phương tiện trong tay mà còn ngại thì mấy ông bà tổ dân phố rồi hàng xóm láng giềng sức mấy mà dám ra tay!

- Thì đó, bực bội vô cùng nhưng cứ phải ngậm bồ hòn làm ngọt thôi. Nơi anh Ba ở cũng có tình trạng đó. Giờ cứ nghe ai nói tới ka-ra-ô-kê là ớn tận cổ luôn!