Lợi cả đôi đường

Hôm rồi nhận được cuộc gọi chở khách tới đường Nữ Dân Công ở huyện Bình Chánh, trước khi đi Tư tui đã chuẩn bị sẵn tinh thần đương đầu với khó khăn.

- Sao lại phải chuẩn bị?

- Vì con đường đó lâu nay nổi tiếng là "con đường đau khổ", hồi đầu năm em đi một lần rồi nên biết rất rõ!

- Ở thành phố mình, nhất là khu vực ngoại thành có không ít con đường kiểu đó mà!

- Nhưng con đường đó, như cánh xế ôm tụi em đánh giá là "đau khổ" nhứt trong các "con đường đau khổ".

- Vậy thì miêu tả chút coi để biết "đau khổ" tới cỡ nào?

- Cả tuyến đường tuyệt nhiên không có một cái ổ gà nào hết…

- Vậy là sao?

- Mà toàn "ổ trâu", "ổ voi" nối nhau, lúc nào cũng ngập nước, bất kể nắng hay mưa nên người ta còn gọi là "đường bể bơi". Ai đời có một đoạn đường dài hơn nửa cây số mà có tới chục cái hố vừa to vừa sâu.

- Vậy thì đi sao nổi?

- Phải cố mà đi vì đâu có con đường nào khác. Người, xe qua đó cầm chắc là lấm bê, lấm bết. Chuyện sụp hố, té xe xảy ra như cơm bữa.

- Tại sao có con đường xấu thế ở một thành phố văn minh?

- Ðường thì không sửa chữa, nâng cấp mà dân thì ngày càng đông. Công ty, xí nghiệp, xưởng thì mọc lên ngày càng nhiều. Ðất đai san lấp rầm rộ ngày đêm. Xe tải, xe công-ten-nơ
chạy tối ngày thì đường nào chịu nổi. Dân tình kêu hoài mà không thấu!

- Nghe qua đã thấy đúng là "con đường đau khổ" bậc nhất thành phố rồi. Vậy có dám đưa khách đi không Tư?

- Ðưa chớ sao không! Ðã hành nghề xe ôm thì đường đẹp, đường xấu chi đều đi hết. Phải giữ lương tâm nghề nghiệp chớ!

- Ờ, đi rồi thấy sao?

- Mọi sự lo xa đều thừa!

- Tại sao?

- Vì người ta đã cải tạo, nâng cấp thành một con đường trải nhựa phẳng phiu, sạch đẹp. Hỏi chuyện dân tình ở đó mới hay là thực hiện chủ trương chuẩn bị đại hội đảng các cấp phải gắn với giải quyết những vấn đề bức xúc trong dân nên huyện đã…

- Ðã chọn "con đường đau khổ" để giải quyết?

- Chính xác! Dân thì được con đường đẹp để đi, huyện thì thực hiện được một chủ trương hay. Vậy là lợi cả đôi đường!