Không vô can !

- Nghe nói…

- Nói chi?

- Kỳ họp hội đồng nhân dân thành phố vừa rồi rất nóng về chuyện rác thải và tín dụng đen!

- Chính xác! Chuyện tín dụng đen thì thôi, khỏi bàn vì quá tầm hiểu biết của anh em mình. Nhưng mà rác…

- Thì đúng tầm?

- Ðúng tầm hay không, không biết mà thấy là có chuyện đáng để nói, đáng để bàn!

- Nói chi? Bàn chi?

- Từ từ rồi biết thôi mà! Theo anh Ba thì vì sao nghị trường lại nóng chuyện rác?

- Ðơn giản là cử tri, là dân tình bức xúc nhiều về chuyện đó cho nên các đại biểu của dân phản ánh trung thực, đầy đủ ý nguyện của dân ở chốn nghị trường thôi!

- Không sai. Nhưng mà…

- Mà sao, Tư?

- Người ta bức xúc về chuyện rác, nhưng liệu tất cả có vô can?

- Ý chú mầy là…

- Là mỗi ngày thành phố thải ra hàng chục tấn rác. Việc chôn lấp chưa bảo đảm an toàn vệ sinh môi trường khiến nguồn nước, không khí bị ô nhiễm. Dân tình ta thán nhiều mà chưa xử lý được bao nhiêu. Bức xúc thật đấy, nhưng đã mấy ai tự thấy mình có trách nhiệm trong tình trạng chung đó chưa?

- Anh Ba vẫn chưa hiểu lắm!

- Nghĩa là thấy ô nhiễm, biết bức xúc, lên tiếng kêu ca, kiến nghị, nhưng mà có ý thức được rằng tự mình phải góp phần xử lý vấn đề tồn tại đã lâu đó. Như là…

- Phân loại rác thải sinh hoạt ngay tại nhà mình. Thứ nào là rác hữu cơ, tái chế được cho vô một túi. Thứ nào gọi rác vô cơ, là chất thải rắn, không tái chế được cho vô một túi đưa đến đúng nơi quy định. Rồi không xả rác bừa bãi ngoài đường, ngoài chợ nữa… thì vấn đề gây bức xúc sẽ giảm dần. Ðúng không Tư?

- Ðó chính là ý em muốn đề cập. Không nên chỉ biết phàn nàn, bức xúc mà đi kèm với đó là phải thấy bản thân có trách nhiệm tham gia giải quyết vấn đề bức xúc bằng hành động, việc làm cụ thể. Mỗi người chung tay, góp sức một chút thì việc chi rồi cũng giải quyết được hết. Ðể tồn đọng dài lâu những sự việc kiểu đó, ai cũng có một phần trách nhiệm. Ðừng nghĩ, cứ bức xúc lên tiếng là mình vô can!

- Ờ, cũng có một nhà văn hay nhà báo nào đó từng nói là: bức xúc không làm ta vô can. Ðúng là không vô can thật!