Khác chi “hụi chết”

- Tết nhất chuẩn bị đến đâu rồi, anh Ba?

- Chỉ thiếu mỗi thứ quan trọng nhất thôi Tư!

- Tiền phải không?

- Ờ, cứ có đủ thứ đó là thứ chi cũng có hết à! Nhưng mà…

- Mà sao anh Ba?

- Quanh năm ngồi sửa khóa không ngơi nghỉ, không dám chơi bữa nào mà năm hết, Tết đến vẫn chưa thấy tiền đâu sắm Tết. Mới thấy lao động tay chân, làm ăn lương thiện không dễ kiếm được nhiều tiền.

- Em cũng nghĩ vậy! Thấy người ta kiếm tiền dễ ợt mà ham.

- Tiền kiếm quá dễ thường là tiền bất chính, đừng có ham kiếm tiền kiểu đó nghe, Tư Búa!

- Bất chính hay không không biết vì thấy người ta lấy tiền của người khác một cách rất vô lý, rất ngang nhiên mà không bị ngăn trở chi cả.

- Ai lấy của ai, lấy từ việc chi?

- Thì em thấy ở nhiều con phố lớn ở thành phố mình, người đi ô-tô đậu ở đường, vào quán ăn sáng, ăn trưa, ăn tối hay mua sắm chi đó lúc bước ra là thấy có người chìa tay lấy hai, ba chục ngàn liền à!

- Chắc là tiền trông coi xe?

- Ðó có phải là bãi giữ xe đâu, anh Ba!

- Vậy chớ mấy người lấy tiền đó là ai?

- Là ai thì Tư tui hổng biết, nhưng biết chắc không phải là người nhà nước.

- Vậy sao mấy người đi xe hơi lại ngoan ngoãn móc tiền đưa?

- Không đưa là bị gây sự rồi bị cào xước xe, bị bẻ gương, bị nứt kính.

- Có chuyện đó thật sao Tư?

- Không những thật mà có từ lâu rồi, trở thành lệ rồi, cho nên ai cũng móc tiền ra trả và coi đó là chuyện bình thường. Mà đó là xe thường, xe mang biển thành phố. Nếu là xe sang, xe mang biển tỉnh lẻ, mấy người thu phí đó còn hét giá cao hơn. Ðể yên thân, ai cũng lặng lẽ đưa tiền. Không tin thì anh Ba cứ cất công ngồi phục trước mấy nhà hàng là thấy liền à!

- Nói vậy thì không lẽ họ thích lấy tiền của ai thì lấy. Vậy chính quyền sở tại có biết chuyện nầy không mà cứ để vậy mãi?

- Mấy ổng biết hay không, không rõ nhưng không thấy ai ra tay dẹp nạn “mãi lộ” kiểu đó. Còn dân tình biết hết, thấy hết, riết thành quen coi như là chuyện đương nhiên mà chấp nhận đóng tiền.

- Kỳ quá à! Cứ để vậy hoài thì khác chi đóng “hụi chết”, tiếp tay cho kẻ xấu hoành hành.