Đừng “đánh trống bỏ dùi”

- Cái vụ buýt đường sông hồi đầu ồn ã vậy, giờ sao rồi Tư?

- Sao rồi… là sao?

- Thì là nó chạy có ổn không, khách đi lại có ham thích, có mến chuộng hơn buýt chạy trên phố không?

- Chuyện nầy hơi bị khó nói đó, anh Ba!

- Có mắc mớ chi đâu mà khó khăn vậy?

- Không mắc mớ chi hết mà vì không biết nói sao cho thiệt đúng tính chất của vấn đề!

- Anh Ba vẫn chưa hiểu chú mầy đang định đề cập tới vấn đề chi!

- Là nói dân tình không ham thích cũng không đúng vì vẫn có người đi đều đều. Nhưng nếu…

- Nếu sao?

- Nói là dân tình ưa chuộng cũng không chính xác. Vì chủ yếu là những người đi cho biết, đi để… hóng gió là chính chớ ít người đi với đúng nghĩa sử dụng một phương tiện giao thông công cộng để đi làm, đi học.

- Hồi đầu, anh Ba cũng linh cảm là sẽ có chuyện đó, nhưng không rõ sự thể, nguyên nhân do đâu.

- Sự thể thì như Tư tui đã nói đó, người ta đi buýt đường sông như dùng một phương tiện thư giãn cuối tuần hay để trải nghiệm là chính. Còn nguyên nhân thì là do bất tiện đủ đường. Như là ít tàu cho nên ít chuyến, phải đợi lâu. Sự kết nối giao thông dưới sông với trên bờ chưa rõ nét nên đi lại không thuận lợi. Phải sử dụng thêm các phương tiện khác mới tới được nơi cần tới. Hơn nữa, giá cả lại chưa phù hợp với số đông.

- Đắt quá hay sao Tư?

- Vừa đắt hơn vừa không thuận tiện. Có người đã tính toán nếu đi tuyến buýt đường sông, mỗi tháng tốn khoảng 900 ngàn đồng, còn đi xe buýt thì chỉ mất từ 112 đến 135 ngàn đồng. Trong khi các tuyến xe buýt lại "dày" hơn và dễ bắt xe hơn nhiều.

- Ờ, vừa tốn tiền vừa bất tiện thì mắc mớ chi mà người ta phải đi! Những hạn chế, bất cập nầy phải tháo gỡ sớm, để lâu e là vực lại không nổi giống như cái vụ du lịch đường sông. Tốn công, tốn của mà rồi hiệu quả không cao.

- Mấu chốt là ở chỗ đó đó, anh Ba! Phải khẩn trương, kiên quyết và cả kiên trì xử lý, tháo gỡ bằng chủ trương, chính sách, giải pháp cụ thể để làm cho tới nơi, tới chốn chớ cứ lừng khừng, thấy khó rồi buông là không ổn. Cần nhất là đừng “đánh trống, bỏ dùi”.