Đâu phải chuyện tế nhị!

- Có chuyện này muốn…

- Muốn chi thì nói ra, sao bữa nay lại ngập ngừng, bối rối vậy. Bộ muốn mượn tiền hay sao?

- Không có chuyện mượn tiền mà chỉ tò mò chút xíu thôi…

- Là chuyện chi?

- Ngồi vỉa hè sửa khóa cả ngày, vậy mỗi khi có nhu cầu…

- Nhu cầu chi?

- Thì các nhu cầu cá nhân đó.

- Ờ hiểu rồi!

- Vậy thì những lúc đó anh giải quyết ở đâu ta?

- Anh Ba ngồi đây mười mấy năm rồi, cũng có chút uy tín với dân tình chung quanh cho nên mỗi khi có nhu cầu giải quyết anh đi nhờ nhà người ta.

- Anh Ba là người quen vậy chớ người lạ, như là người đi đường, khách du lịch thì sao?

- Thì… thì… ờ, chú mầy có nói thì anh mới nghĩ ra. Đang đi trên đường mà gặp “sự cố”… kể cũng khó thiệt!

- Đó, anh Ba thấy chưa. Chuyện nầy thuộc diện nhu cầu thiết yếu đối với mỗi người, nhưng lại khá tế nhị nên ít người nói tới. Chớ thật ra đang là vấn đề rất bức xúc. Vì…

- Vì sao?

- Vì hàng triệu người ra đường mỗi ngày cộng thêm hàng chục triệu khách du lịch đến thành phố mỗi năm nữa. Vậy mà…

- Mà sao?

- Cả thành phố chỉ có gần 300 cái nhà vệ sinh công cộng thì sao mà đáp ứng nổi nhu cầu của người ta.

- Kể cũng lạ!

- Lạ sao, anh Ba?

- Người ta nói tới đủ thứ việc phải làm để cho thành phố ngày càng trở nên sạch đẹp, gần gũi, thân thiện, tiện nghi và thoải mái để thành điểm đến hấp dẫn. Vậy mà cái chuyện rất chi là thiết thực với mỗi người nầy lại chưa thấy ai tính đếm đến cả.

- Chắc là cũng có nghĩ đến đó, nhưng có lẽ là do…

- Do ai hay do đâu?

- Chưa có chủ trương, giải pháp cụ thể để thực hiện cho nên sinh ra bất cập như vậy. Với lại, người ta nghĩ đó là chuyện tế nhị, ít người đề cập.

- Vậy không lẽ để dân tình, rồi du khách chịu mãi cảnh bí bách, khó xử hay sao. Hơn nữa, đó là nhu cầu bình thường như bao nhu cầu khác chớ đâu phải đó là chuyện tế nhị rồi lờ đi, bỏ qua.