Cảnh giác cao độ

- Sắp sửa bước vào tháng củ mật rồi, phải không anh Ba?

- Ờ, xưa nay tháng Chạp vẫn được gọi là vậy mà Tư?

- Tư tui chỉ thắc mắc chút xíu là sao lại gọi là tháng củ mật mà không phải củ mỡ hay củ khoai, củ sắn chi đó?

- Chú mầy hỏi hay nhưng không đúng. Chữ củ ở đây không phải là trong củ khoai, củ sắn mà là chữ củ ở trong từ Hán Việt “củ soát” nghĩa là kiểm tra, soát xét. Còn "mật" được dùng trong "cẩn mật", ý chỉ sự kín đáo, không để lộ. Vậy, "củ mật" ở đây mang nghĩa "củ soát cẩn mật". Nghĩa là kiểm soát cẩn thận.

- Sao lại phải kiểm soát cẩn thận?

- Vì tháng Chạp là tháng áp Tết, nhiều việc, ai cũng bận rộn lo kiếm tiền để tiêu Tết. Lo hoàn tất mọi việc để ăn Tết cho nên phải đi lại thường xuyên, thức khuya dậy sớm... thường rơi vào trạng thái mệt mỏi, dễ mất cảnh giác. Với lại…

- Với lại sao, anh Ba?

- Khi người ta gia tăng làm việc để kiếm tiền vui Xuân thì tụi trộm cắp cũng gia tăng hoạt động để có tiền ăn chơi ba ngày Tết.

- Đó là hồi xưa thôi. Giờ khỏi lo nữa!

- Khỏi lo là sao?

- Là nơi nào cũng có ca-mê-ra an ninh canh suốt ngày đêm mà!

- Ca-mê-ra canh chớ có phải người canh đâu mà lúc nào cũng có thể ra tay ngăn chặn được. Tới lúc biết thì tụi nó cao chạy, xa bay từ lúc nào rồi!

- Cũng không đáng ngại!

- Sao lại không?

- Thành phố vừa mới thành lập lực lượng tuần tra, kiểm soát hỗn hợp, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Gọi tắt Tổ công tác 363. Các tổ nầy đi tuần xuyên ngày, xuyên đêm. Cướp giựt hay đạo chích, đào tường, khoét ngạch chi là mấy ảnh xử lý tuốt luột!

- Chuyện đó anh Ba có biết. Và cũng biết là không phải lúc nào người ta cũng ra tay can thiệp kịp thời được. Thành phố thì mênh mông vậy, sức người thì có hạn. Sao có thể lúc nào cũng xuất hiện đúng lúc, đúng chỗ được. Cho nên…

- Nên sao?

- Có thêm lực lượng đó thì có thêm sự yên tâm, nhưng không vì thế mà lơ là, mất cảnh giác. Có thân thì phải lo, có của thì phải giữ. Đừng nên trông cậy hay dựa dẫm, ỷ lại vào người khác. Tóm lại là vẫn…

- Phải cảnh giác cao độ!