Xây dựng và phát triển nhãn hiệu hàng hóa ở Hưng Yên

NDO -

NDĐT - Thực hiện chính sách về xây dựng nhãn hiệu cộng đồng, tỉnh Hưng Yên đã hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu, nhãn hiệu cho nhiều sản phẩm hàng hóa, góp phần nâng cao sức cạnh tranh, giá trị hàng hóa, nhất là hàng nông sản trên thị trường, góp phần cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.

Thợ chế tác đồng.
Thợ chế tác đồng.

Nâng cao giá trị hàng hóa

Huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên có khoảng 800 ha vải; trong đó, hơn 100 ha vải trứng trồng tập trung ở các xã Phan Sào Nam, xã Minh Tân, Đoàn Đào và thị trấn Trần Cao. Để nâng cao giá trị, bảo hộ cho quả vải trứng, năm 2019, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hưng Yên đã triển khai dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận Vải trứng Hưng Yên”, Công ty TNHH phát triển tài sản trí tuệ Việt là đơn vị thực hiện.

Ngày 5-5-2020, Cục Sở hữu trí tuệ (thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận Vải trứng Hưng Yên; Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hưng Yên là chủ sở hữu, đồng thời là cơ quan quản lý nhãn hiệu chứng nhận Vải trứng Hưng Yên; Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Quyết Tiến là đơn vị được quyền sử dụng mã số cho sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận Vải trứng Hưng Yên.

Khi vải trứng có nhãn hiệu và được quảng bá rộng rãi, hàng trăm tấn vải trứng của Phù Cừ được tiêu thụ hết với giá khá cao, gấp khoảng 1,5 lần so vụ vải năm trước. Ông Lê Văn Tiến, chủ vườn trồng vải trứng, thôn Ba Đông, xã Phan Sào Nam, huyện Phù Cừ cho biết, quả vải trứng đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu Vải trứng Hưng Yên, thương nhân về tận vườn đặt mua với giá cao khoảng 60 nghìn đồng/kg, nông dân rất phấn khởi; bởi, vải trứng “được mùa, được giá”.

Xã Đồng Thanh, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên là địa phương chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấy cây trồng, với khoảng 200ha lúa hiệu quả thấp được chuyển sang cây có múi có hiệu quả kinh tế cao; chủ yếu là cây cam, như: cam Vinh, cam đường canh, cam V2. Nông dân xã Đồng Thanh đã tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất để quả cam có mẫu mã đẹp, chất lượng tốt và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Năm 2018, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể cam Đồng Thanh cho HTX rau quả và dịch vụ thương mại Đồng Thanh đã giúp sản phẩm cam của xã Đồng Thanh được nhiều người biết đến, tiêu thụ dễ dàng, được giá; một số doanh nghiệp đã đến HTX rau quả và dịch vụ thương mại Đồng Thanh ký hợp đồng mua cam với giá cao hơn thị trường 20% để đưa vào hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại.

Nâng cao chất lượng, giá trị hàng hóa, nhất là hàng nông sản trong nhiều năm qua, tỉnh Hưng Yên luôn quan tâm triển khai các nhiệm vụ xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu cộng đồng (nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý). Đến nay, tỉnh Hưng Yên đã có 19 sản phẩm hàng hóa, chủ yếu là nông sản được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu cộng đồng, bằng bảo hộ độc quyền: Nhãn lồng, Tương Bần, Quất cảnh Văn Giang, Chuối tiêu hồng Khoái Châu, Gà Đông Tảo, Vải lai chín sớm Phù Cừ, Mật ong hoa nhãn, Cam Quảng Châu, Cam Văn Giang, Nghệ Chí Tân - Khoái Châu, Cam Đồng Thanh, Vải trứng Hưng Yên, Hoa cây cảnh Xuân Quan, Nấm Nam Hàn - Phù Ủng. Các sản phẩm thuộc lĩnh vực chế biến, như; Rượu Lạc Đạo, Rượu Trương Xá. Sản phẩm từ ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống lâu đời của địa phương, như; Chạm bạc Huệ Lai, Đúc đồng Lộng Thượng, Hương xạ thôn Cao.

Chủ sở hữu của các nhãn hiệu cộng đồng thường là tổ chức tập thể như hội, hiệp hội, hợp tác xã, làng nghề được giao quyền quản lý các nhãn hiệu đã xác định được quyền lợi, xây dựng hoàn thiện cơ chế hoạt động, bộ máy tổ chức chặt chẽ, chất lượng sản phẩm được nâng cao, ổn định hơn; sản phẩm được tuyên truyền, quảng bá rộng rãi với nhiều hình thức phong phú, được khách hàng trong và ngoài nước biết đến nhiều hơn, số lượng sản phẩm sản xuất, tiêu thụ tăng mạnh.

Tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát huy nhãn hiệu cộng đồng

Ông Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch UBND xã Phan Sào Nam, huyện Phù cho biết, xã Phan Sào Nam có hơn 78ha vải trứng; giữ gìn, phát huy nhãn hiệu Vải trứng Hưng Yên xã Phan Sào Nam sẽ khuyến khích nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng và chăm sóc cây vải trứng, nhất là việc áp dụng quy trình VietGap trong sản xuất để cây vải trứng cho năng suất và chất lượng cao; đồng thời làm tốt công tác quản lý nhãn hiệu, quảng bá, kết nối cung cầu, và bảo tồn giống vải trứng Hưng Yên.

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hưng Yên, Trần Tùng Chuẩn cho biết, tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó tập trung:

Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về việc xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa nói chung, nông sản nói riêng. Người sản xuất sản phẩm đã được bảo hộ cần chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, sử dụng hiệu quả logo, tem nhãn và các dấu hiệu nhận biết nhãn hiệu trong sản xuất, kinh doanh, coi chúng như một phần giá trị của sản phẩm.

Tiếp tục khảo sát, đánh giá khả năng phát triển nhãn hiệu, thương hiệu một số sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là sản phẩm trong chương trình OCOP của tỉnh để có định hướng khai thác, phát triển phù hợp. Xây dựng, áp dụng, duy trì và cải tiến cách thức quản lý trang trại, kỹ thuật nuôi trồng an toàn và chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn VietGap và các tiêu chuẩn quốc tế. Xây dựng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm của nhà sản xuất, liên kết cách nhận biết sản phẩm trong chuỗi cung ứng sản phẩm, tham gia chương trình chứng nhận theo tiêu chuẩn truy xuất sản phẩm.

Thực hiện thủ tục đăng ký và bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm trong nước và quốc tế để tránh bị làm nhái, làm giả hoặc mất thương hiệu. Tăng cường quảng cáo và thông tin minh bạch, đầy đủ về sản phẩm, nhà sản xuất, cách nhận biết sản phẩm cùng với những cam kết hoặc kết quả chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm đã đạt được. Tiếp tục đăng ký bảo hộ một số sản phẩm như: Nếp thơm Hưng Yên, Bánh tẻ Phụng Công, Cam Hưng Yên, Long nhãn Hưng Yên, Mộc Hòa Phong, Mộc Đại Tập, Mộc Thụy Lân... Áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến để sản xuất ra sản phẩm sạch, an toàn, chất lượng.

Đẩy mạnh hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ. Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ tại địa phương. Tổ chức đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ, kỹ năng quản lý về sở hữu trí tuệ cho đội ngũ cán bộ quản lý. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của các tổ chức chứng nhận, tổ chức tập thể trong việc quản lý, phát triển các nhãn hiệu đã được bảo hộ, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho người sản xuất được sử dụng nhãn hiệu.