Vietcombank dành gần 4.000 tỷ đồng hỗ trợ khách hàng giảm lãi suất

NDO -

Ngày 11-1, tại Hà Nội, Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tổ chức Hội nghị triển khai công tác đảng và hoạt động kinh doanh năm 2021.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank Nghiêm Xuân Thành phát biểu tại hội nghị.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank Nghiêm Xuân Thành phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch HĐQT Vietcombank Nghiêm Xuân Thành cho biết, năm 2020, trước những diễn biến bất thường của môi trường kinh tế - xã hội, Vietcombank đã nỗ lực phấn đấu thực hiện thành công “đa mục tiêu”, theo đó vừa phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, vừa chia sẻ khó khăn với khách hàng và phát triển kinh doanh bền vững.

Cụ thể, đến hết năm 2020, tăng trưởng tín dụng của Vietcombank đạt 13,95%. Với mức tăng này, Vietcombank trở thành ngân hàng có quy mô tăng trưởng tín dụng cao nhất hệ thống, với gần 838.220 tỷ đồng cho vay mới trong năm vừa qua.

Vietcombank tiên phong chủ động đi đầu trong giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp với 5 lần giảm lãi suất cho vay trong năm 2020, nhiều nhất trong hệ thống các tổ chức tín dụng. Hiện mặt bằng lãi suất cho vay của ngân hàng thuộc diện thấp nhất trên thị trường. Tính đến 31-12-2020, tổng dư nợ được Vietcombank hỗ trợ giảm lãi suất cho vay khoảng 441.768 tỷ đồng. Tổng số tiền lãi hỗ trợ khách hàng do giảm lãi suất trong năm 2020 đạt gần 4.000 tỷ đồng.

Vietcombank cũng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01 cho các khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 với dư nợ được cơ cấu tại thời điểm 31-12-2020 là 5.156 tỷ đồng (nợ gốc 4.438 tỷ đồng và nợ lãi 718 tỷ đồng). Bên cạnh đó, Vietcombank tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội với tổng số tiền xấp xỉ 350 tỷ đồng, trong đó hơn 40 tỷ đồng ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19, nỗ lực góp phần đồng hành cùng Chính phủ đẩy lùi dịch bệnh, ổn định dân sinh.

Báo cáo tại Hội nghị, Tổng Giám đốc Vietcombank Phạm Quang Dũng cho biết thêm, năm 2020, huy động vốn thị trường 1 đạt hơn 1,05 triệu tỷ đồng, tăng 10,9% so với năm 2019, đạt 104,6% kế hoạch năm 2020. Chủ động cơ cấu lại danh mục huy động vốn từ thị trường 2 theo hướng hiệu quả. Tổng huy động vốn đạt hơn 1,08 triệu tỷ đồng, tăng 4,9% so với 2019.

Lợi nhuận trước thuế riêng lẻ đạt 22.529 tỷ đồng và lợi nhuận hợp nhất đạt khoảng 23.068 tỷ đồng tương đương quy mô như năm 2019. Chỉ số ROAA và ROAE duy trì ở mức cao, tương ứng là 1,42% và 20,48%.

Về chất lượng tín dụng, đến cuối năm 2020, tỷ lệ nợ xấu được Vietcombank kéo xuống mức thấp nhất trong lịch sử, cũng là mức thấp nhất toàn ngành với chỉ 0,61% trên tổng dư nợ. "Tỷ lệ nợ xấu 0,61%, trong khi mục tiêu đề ra của Ngân hàng Nhà nước là kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 3%. Có thể nói đây là tỷ lệ nợ xấu lý tưởng trong bối cảnh hiện nay", Chủ tịch Vietcombank Nghiêm Xuân Thành nhấn mạnh.

Ngoài ra, dư quỹ dự phòng rủi ro của ngân hàng là 19.344 tỷ đồng. Tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu nội bảng đạt mức cao nhất trong hệ thống ngân hàng (xấp xỉ 377%).

Định hướng kinh doanh năm 2021 của Vietcombank: Quán triệt phương châm hành động “Chuyển đổi, Hiệu quả, Bền vững”, trọng tâm là đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, chuyển dịch cơ cấu hoạt động, bảo đảm tăng trưởng bền vững, hiệu quả cao và nâng cao năng suất lao động và quan điểm chỉ đạo điều hành “Trách nhiệm – Hành động – Sáng tạo”. Tiếp tục tập trung thực hiện 5 đột phá chiến lược và 3 trọng tâm.

Bênh cạnh đó, năm 2021, Vietcombank cũng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 12% so với năm trước, lên mức xấp xỉ 25.200 tỷ đồng. Một số chỉ tiêu chính khác cũng được ngân hàng đặt ra, đó là: tổng tài sản tăng 6%; huy động vốn từ các tổ chức và cá nhân tăng 8%, tín dụng tăng 12%. Tỷ lệ nợ xấu tiếp tục kiểm soát chặt dưới 1%, biên lợi nhuận (NIM) ở mức 3,1%.