Trồng xen trong vườn cà-phê mang lại hiệu quả cao

Việc trồng xen trong vườn cà-phê thời gian qua đã được nông dân nhiều nơi triển khai có hiệu quả nhằm đa dạng sản phẩm, tăng thu nhập, hạn chế rủi ro, góp phần bảo vệ môi trường. Nhiều vườn cà-phê sau khi trồng xen bơ, hồng, chanh leo, sầu riêng, hồ tiêu… đã tăng thu nhập thêm hàng chục đến hàng trăm triệu đồng/ha/năm.
Nông dân huyện Di Linh (Lâm Đồng) thu hoạch cà-phê. Ảnh: MAI VĂN BẢO
Nông dân huyện Di Linh (Lâm Đồng) thu hoạch cà-phê. Ảnh: MAI VĂN BẢO

Theo Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, hiện nay với 617.228 ha cà-phê ở bảy tỉnh (năm địa phương vùng Tây Nguyên và hai tỉnh Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu) thì có hơn 115 nghìn ha cà-phê có trồng xen hồ tiêu, bơ, sầu riêng, điều, mắc ca, hồng, chanh dây… Qua thống kê, đến nay việc trồng xen hồ tiêu trong vườn cà-phê là nhiều nhất, chỉ tính riêng ba tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai và Bình Phước đã có hơn 22 nghìn ha. Ngoài ra, diện tích trồng xen bơ ở ba tỉnh Đắk Lắk, Lâm Đồng và Gia Lai là 12.438 ha; diện tích trồng xen sầu riêng của ba tỉnh Đắk Lắk, Lâm Đồng và Gia Lai là 10.089 ha; diện tích trồng xen điều là 12.269 ha, trong đó tỉnh Bình Phước có diện tích lớn nhất với 11.800 ha.

Tại Đắk Lắk, mô hình trồng xen cây ăn quả, hồ tiêu… trong vườn cà-phê tái canh hiện nay đang được các hộ dân áp dụng khá thành công. Tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn, tổng diện tích trồng xen trong vườn cà-phê khoảng gần 40 nghìn ha, chiếm 19,3% diện tích trồng cà-phê toàn tỉnh. Theo đánh giá, việc trồng xen trong vườn cà-phê đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác, giúp sản xuất mang tính bền vững. Qua đánh giá từ các mô hình cho thấy, việc trồng xen sầu riêng, bơ trong vườn cà-phê cho thu nhập bình quân cao hơn gấp từ 3 đến 5 lần so với trồng thuần cà-phê. Với thu nhập ổn định và trải đều trong năm giúp bà con nông dân có điều kiện đầu tư, chăm sóc, phát triển các vườn cà-phê trong thời gian tới. Còn trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, hiện nay cũng có hàng chục nghìn héc-ta bơ, sầu riêng, mắc ca, mít, hồng được trồng xen trong vườn cà-phê. Mặc dù trồng xen các loại cây khác nhưng năng suất cà-phê bình quân vẫn đạt khá cao (3 tấn nhân/ha); riêng trồng xen cây bơ, sầu riêng năng suất cà-phê có thể đạt hơn 4 tấn nhân/ha. So sánh hiệu quả kinh tế thì mô hình trồng xen sầu riêng và bơ cho hiệu quả kinh tế cao nhất (doanh thu 120 triệu đồng/ha/năm); trồng xen hồ tiêu, hồng (từ 54 đến 67 triệu đồng/ha/năm).

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum cho biết, hiện nay trên địa bàn có khoảng hơn 1.000 ha cà-phê trồng xen các loại cây ăn quả như bơ, sầu riêng, cam, quýt hay hồ tiêu... Theo đánh giá, mô hình xen sầu riêng cho năng suất cà-phê 3,2 tấn nhân/ha, năng suất sầu riêng là 3,5 tấn/ha; doanh thu từ mô hình này đạt khoảng 233 triệu đồng/ha, lợi nhuận 154 triệu đồng/ha, cao hơn so với trồng cà-phê thuần túy là 52 triệu đồng/ha. Mô hình trồng xen bơ cho năng suất cà-phê 3 tấn nhân/ha, năng suất bơ là 3,9 tấn/ha, doanh thu 237 triệu đồng/ha, cao hơn so với trồng thuần 54 triệu đồng/ha. Mô hình trồng xen hồ tiêu cho năng suất cà-phê 2,9 tấn nhân/ha, năng suất hồ tiêu là 1,2 tấn/ha, doanh thu 296 triệu đồng/ha, cao hơn so với trồng thuần 81 triệu đồng/ha... Có thể nói, việc trồng xen trong vườn cây cà-phê không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 3 đến 4 lần so với trồng riêng một loại cây mà còn có tác dụng che bóng mát, chắn gió cho vườn cà-phê, hạn chế bốc hơi nước, giữ ẩm cho cây. Điều này góp phần phát triển sản xuất cà-phê bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hiện nay, diện tích cà-phê ở nước ta phần lớn sản xuất theo kiểu nhỏ lẻ, phân tán theo kiểu nông hộ, vì vậy việc trồng xen các loại cây trồng khác sẽ giúp tăng giá trị sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, bảo đảm phát triển bền vững cây cà-phê trong thời gian tới. Nhưng để bảo đảm việc trồng xen phát huy được hiệu quả, theo Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, các địa phương cần lưu ý một số tiêu chí chính như bảo đảm vườn cà-phê đạt năng suất hơn 3 tấn nhân/ha ổn định qua các năm; bảo đảm mật độ, khoảng cách cây trồng xen hợp lý; sử dụng lượng nước tưới hợp lý; duy trì và cải thiện độ phì đất; giảm thiểu phát sinh sâu bệnh mới trên vườn trồng xen. Từ đó, từng địa phương rà soát diện tích cà-phê có trồng xen, xác định vùng trồng xen tập trung mang lại hiệu quả và bảo đảm chế biến, tiêu thụ ổn định, phù hợp thị trường. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần căn cứ vào định hướng phát triển cây công nghiệp khác và cây ăn quả lâu năm để xác định cây trồng xen hợp lý, bảo đảm hiệu quả cho người sản xuất. Đồng thời, chú trọng nguồn nước tưới cho vùng trồng xen, khuyến cáo người sản xuất về cây trồng xen có hiệu quả, ít tranh chấp nguồn nước tưới đối với cây cà-phê, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu.