Trồng bơ mang lại thu nhập cao

Vài năm trở lại đây, tại huyện Châu Ðức (Bà Rịa - Vũng Tàu), bơ Thái Dương, bơ QM01, trở thành thương hiệu được người tiêu dùng ưa chuộng và đem lại lợi nhuận cao cho người trồng. Không chỉ trồng để thu hoạch quả, người dân nơi đây còn cấy ghép, lai tạo được cây bơ ra hoa trái vụ cho năng suất và chất lượng cao, phù hợp thổ nhưỡng của địa phương.

Ông Nguyễn Cảnh Thái Dương (trái) trao đổi với nông dân kỹ thuật chăm sóc bơ. Ảnh: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu
Ông Nguyễn Cảnh Thái Dương (trái) trao đổi với nông dân kỹ thuật chăm sóc bơ. Ảnh: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

Sau hơn 12 năm nghiên cứu, trồng thử nghiệm, anh Ðỗ Chiếm Quang, thạc sĩ nông học, từng bảy năm làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả miền đông, ngụ ấp Liên Hiệp, xã Xà Bang, huyện Châu Ðức, đã cho ra giống bơ sáp QM01. Giống bơ này sinh trưởng nhanh, nhiều trái, tỷ lệ thịt bơ hơn 90%, mầu vàng tươi, dẻo. Ðặc biệt, loại bơ này có thể ra hoa đậu trái vào mùa mưa, để có thể bán vào dịp giáp Tết và sau Tết Nguyên đán (trái vụ) cho thu nhập cao. Hiện, vườn bơ của gia đình anh Quang có diện tích hơn 10,5 ha với 3.000 cây. Mỗi năm, vườn cho thu hoạch khoảng từ 100 đến 150 tấn bơ; trong đó, bơ cho ra trái vụ khoảng hơn 70 tấn.

Anh Quang cho biết, vụ bơ chính vụ thường rơi vào thời gian từ tháng 4 đến tháng 7 hằng năm, còn bơ trái vụ từ tháng 11 đến tháng 2 năm sau. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm anh Quang lãi khoảng hơn bốn tỷ đồng. Hiện, bơ sáp QM01 đã có mặt tại một số tỉnh, thành phố như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Ðà Nẵng…

Bên cạnh bơ sáp QM01, bơ sáp Thái Dương đã được người tiêu dùng biết đến vì có đặc điểm trái thon dài, hạt nhỏ, cơm vàng, mịn, béo ngậy...

Giám đốc HTX Nông nghiệp Thái Dương Nguyễn Cảnh Thái Dương (ấp Liên Lộc, xã Xà Bang, huyện Châu Ðức) cho biết, giống bơ sáp do ông cấy ghép phát triển tốt, cho năng suất cao, chất lượng quả dẻo, thơm. Bơ sáp Thái Dương được trồng hoàn toàn theo quy trình VietGAP. Việc bón phân được kiểm soát nghiêm ngặt, từng công đoạn chăm sóc đều được theo dõi, ghi chép cẩn thận.

Loại bơ sáp Thái Dương lại cho ra hoa đậu trái vào khoảng thời điểm tháng 11 năm trước và cho thu hoạch vào tháng 2 đến tháng 3 năm sau. Hiện nay, với 1,5 ha, trung bình mỗi năm ông Dương thu được 20 đến 25 tấn bơ; trong đó bơ trái vụ cho thu khoảng gần tám tấn. Vào thời điểm chính vụ, bơ sáp Thái Dương được bán với giá 50 nghìn đồng/kg, thì đến trái vụ giá bán khoảng 60 đến 65 nghìn đồng/kg, có thời điểm lên đến 80 - 90 nghìn đồng/kg. Nhờ vậy, mỗi năm gia đình ông thu về khoảng 800 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí.

Theo UBND huyện Châu Ðức, so với các loại cây ăn quả khác, bơ là loại cây dễ trồng, khả năng thích nghi tốt, có hàm lượng chất dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe, đem lại thu nhập ổn định, được nhiều bà con nông dân ở địa phương chọn làm cây trồng phát triển kinh tế. Hiện nay, với các giống bơ sáp mới có thể cho ra trái quanh năm, đã giúp nhiều hộ trồng có nguồn thu nhập cao từ bơ trái vụ, giúp họ có cuộc sống ổn định, làm giàu từ cây bơ. Nhằm giúp bà con mở rộng diện tích, xây dựng vườn ươm, nhân giống, lai tạo các loại bơ chất lượng cao, có hiệu quả kinh tế, huyện tiếp tục đẩy mạnh việc hỗ trợ thông tin về thị trường, quy trình sản xuất theo quy trình VietGAP, phát triển thương hiệu bơ Châu Ðức.