Tinh túy mật ong sườn đông Tam Đảo

NDO -

Với sự hỗ trợ của các cấp chính quyền địa phương, ở sườn đông dãy Tam Đảo có xóm Khe Đù thuộc xã Phúc Thuận, thị xã Phổ Yên (Thái Nguyên), những người nông dân thật thà cùng sở thích, cần mẫn và có trình độ nuôi ong đã làm ra những chai mật ong vàng óng, sánh quyện, vị ngọt đậm đà, được đông đảo người dùng ưa chuộng.

Ong nuôi dưới tán rừng nhãn ở xóm Khe Đù, xã Phúc Thuận, thị xã Phổ Yên (Thái Nguyên).
Ong nuôi dưới tán rừng nhãn ở xóm Khe Đù, xã Phúc Thuận, thị xã Phổ Yên (Thái Nguyên).

Nằm ở sườn đông dãy Tam Đảo, địa hình xóm Khe Đù, xã Phúc Thuận là một vùng đồi núi thấp, từ những năm 1980, có 18 hộ dân ở huyện Khoái Châu (Hưng Yên) mang theo nghề trồng nhãn lên khai hoang, lập nghiệp.

Đến nay, xóm Khe Đù phát triển lên 95 hộ gia đình, bằng sự cần cù lao động và sự hỗ trợ của các cấp chính quyền địa phương, người dân nơi đây đã xây dựng được vùng cây ăn quả trù phú, bao gồm nhãn, bưởi lên đến gần 100 ha, trong đó chủ yếu là nhãn.

Dưới tán những vườn nhãn tỏa bóng mát, nhiều hộ gia đình nuôi ong lấy mật. Vào mùa nhãn ra hoa, hoa nhãn bung nở sáng rực cả vùng sườn đông Tam Đảo là lúc hàng nghìn đàn ong của người dân địa phương lấy mật và phấn về tổ.

Anh Nguyễn Đăng Thắng, Tổ trưởng hợp tác Mật ong đông Tam Đảo chia sẻ: “Quy trình làm mật của ong là lấy mật và phấn về tổ, sau đó là các bước ong luyện mật lên men, sinh nhiệt, quạt khô, vít tổ cất trữ mật nhằm không bị tác động của các yêu tố bên ngoài để làm thức ăn dự trữ. Khi đó, các thành phần đường, vitamin, khoáng chất... bảo đảm các yêu cầu thì chúng tôi khai thác về làm mật ong, đóng chai cung cấp cho người tiêu dùng”.

Ở xóm Khe Đù có một số người yêu thích nghề nuôi ong lấy mật, sau đó hình thành nhóm sở thích và hiện nay là Tổ hợp tác ong mật mang tên đông Tam Đảo với gần mười thành viên, có quy chế, nguyên tắc hoạt động chặt chẽ, chia sẻ kinh nghiệm, kiểm tra quy trình sản xuất để giữ uy tín, chất lượng mật ong.

Mỗi năm, Tổ hợp tác mật ong sườn đông Tam Đảo sản xuất khoảng 3.000 lít mật ong, trong đó sản lượng của gia đình anh Thắng chiếm gần 50%. Do có kinh nghiệm và trình độ nuôi ong lấy mật nên mật ong của Tổ hợp tác có màu vàng óng, sánh quyện, vị ngọt đậm đà, để lâu ngày chất lượng không giảm, màu sắc không thay đổi.

Từ trước đến nay, nhiều người quan niệm mật ong rừng có chất lượng tốt hơn mật ong nuôi, anh Thắng giải thích: “Ong mật trong tự nhiên làm tổ ở rừng, khi người đi rừng tìm thấy là phá tổ lấy mang về mà không cần xác định ong đã vít tổ chưa, các tiêu chuẩn về các thành phần đường, vitamin, khoáng chất đã bảo đảm yêu cầu chưa, đó là chưa kể trong quá trình phá tổ, con nhộng vỡ ra lẫn vào mật nên không bảo đảm vệ sinh”.

 “Còn đối với mật ông nuôi, khi đã xác định ong vít tổ để cất trữ mật, là lúc các thành phần trong mật đã bảo đảm, chúng tôi khai thác về đưa vào máy quay làm mật bắn ra, tổ được bảo vệ, con nhộng không việc gì nên chất lượng mật bảo đảm”, anh Thắng giải thích thêm.

Chủ tịch UBND xã Phúc Thuận Đỗ Công Hanh vui mừng cho biết: “Qua thời gian, mật ong do Tổ hợp tác mật ong đông Tam Đảo sản xuất đã khẳng định về mặt chất lượng, sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đấy, được người tiêu dùng gần xa ưu chuộng. Để nâng cao giá trị mật ong do Tổ hợp tác mật ong đông Tam Đảo sản xuất, thời gian vừa qua, UBND thị xã Phổ Yên hỗ trợ tổ hợp tác đăng ký nhãn hiệu mật ong mang tên “Tinh túy hoa nhãn”, thiết kế mẫu mã logo, chai đựng, bao bì, quảng bá”.

 “Tiến tới, xã và huyện sẽ hỗ trợ đăng ký bản quyền, dán ten nhãn truy xuất nguồn gốc để hương vị mật ong sườn đông Tam Đảo vươn xa, hữu ích cho sức khỏe nhiều người hơn, mang lại sự thịnh vượng cho những người cần mẫn làm ra loại sản phẩm này”, ông Hanh cho biết thêm.

img-3809.jpg -0
 Mật ong do Tổ hợp tác mật ong đông Tam Đảo sản xuất.