Tiêu thụ nông sản tại các vùng ảnh hưởng dịch Covid-19

NDO -

Đúng vào dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, dịch Covid-19 bùng phát tại một số địa phương trên cả nước, điển hình như Hải Dương, Quảng Ninh…, đã khiến việc tiêu thụ nông sản của bà con gặp khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của nhiều hộ gia đình. Hiện, chính quyền các địa phương đang gấp rút triển khai nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng này.

Sản phẩm rượu nếp cái hoa vàng (thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) tiêu thụ chậm do dịch Covid-19.
Sản phẩm rượu nếp cái hoa vàng (thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) tiêu thụ chậm do dịch Covid-19.

Nông sản tiêu thụ khó, giá giảm

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương, ngoài lượng lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội bộ thì hiện trên địa bàn tỉnh còn dư khoảng 128.000 tấn nông sản cần tiêu thụ, gồm 100.000 tấn rau củ quả, 20.000 tấn thịt và 8.000 tấn cá.

Cụ thể, diện tích cà rốt ở huyện Nam Sách còn tồn lại chưa thu hoạch là 350 ha (80%), ở Cẩm Giàng còn 400 ha (90%), Chí Linh 150 ha (80%); cải bắp ở Gia Lộc còn khoảng 200 ha, Tứ Kỳ khoảng 200 ha, Kim Thành cũng còn khoảng 400 ha rau cải bắp, su hào, súp lơ và rau ăn lá…

Tại thành phố Chí Linh, việc tiêu thụ khoảng 1,5 triệu con gà đồi dịp Tết cũng gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài nông sản, tỉnh còn có 275 ha trồng cây hoa đào bán đón Tết Tân Sửu nhưng do dịch bệnh, nhiều thương lái đã hủy bỏ giao dịch, đòi lại tiền đặt cọc, nên hiện các hộ trồng đào mới tiêu thụ được hơn 10% số cây.

Nhiều giải pháp tiêu thụ nông sản tại các vùng ảnh hưởng dịch Covid-19 -0
 Cánh đồng hành ở thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương vắng bóng người mua.

Gia đình chị Nguyễn Thị Hương ở phường Hải Tân (thành phố Hải Dương) trồng hơn hai mẫu đào hoa, sau khi hoàn trả lại số tiền cọc cho các thương lái thì gia đình chị đứng trước nguy cơ mất khoảng 70 đến 80% doanh thu vụ đào năm nay.

Còn tại tỉnh Quảng Ninh, các loại rau màu như khoai tây, ngô, rau các loại cũng đang vào vụ thu hoạch với sản lượng ước khoảng 30.000 tấn, nhưng việc tiêu thụ cũng gặp nhiều khó khăn.

Không chỉ tồn hàng, do ảnh hưởng của dịch bệnh, giá nông sản tại các địa phương này cũng giảm khoảng 10 đến 20% so với thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát.

Theo đó, tại Hải Dương, giá cà rốt giảm còn 6.000 đến 6.500 đồng/kg, cải bắp còn 4.000 đồng/kg, súp lơ giá 4.000 đồng 5.000 đồng/cây, su hào 2.000 đến 2.500 đồng/củ.

Riêng thị xã Kinh Môn có khoảng 3.800 ha hành. Năm nay, năng suất hành đạt khoảng một tấn/sào, do năng suất cao nên ngay từ khi bước vào vụ thu hoạch, giá hành đã giảm so với năm trước gần 10 nghìn đồng/kg. Đến thời điểm này, khi dịch Covid-19 xuất hiện thì giá hành tiếp tục giảm sâu, hiện nay chỉ khoảng 9.000 đến 10.000 đồng/ kg. Nguyên nhân là do Hải Dương đã bắt đầu áp dụng biện pháp kiểm soát dịch bệnh nên việc buôn bán ngoài đường, vỉa hè bị hạn chế khiến sức mua giảm.

Trong khi đó, thị trường nông sản chính của Hải Dương là Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh (tiêu thụ khoảng 60% tổng sản lượng su hào, cải bắp, rau ăn lá, ổi, chuối…), nhưng hiện việc vận chuyển và tiêu thụ hàng hóa từ trong tỉnh Hải Dương ra ngoài tỉnh gặp khó do các tỉnh lân cận áp dụng biện pháp kiểm soát chặt để ngăn chặn lây lan dịch bệnh Covid-19, khiến nhiều lượng nông sản bị tồn ứ.

“Kích hoạt” nhiều giải pháp

Trước đòi hỏi cấp bách về tiêu thụ nông sản trước và sau Tết Nguyên đán, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương đã đề xuất UBND tỉnh có văn bản đề nghị các tỉnh, thành phố lân cận như Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội... tạo điều kiện để nông sản của tỉnh được vận chuyển sang tiêu thụ.

Ngoài ra, tỉnh cũng thực hiện đẩy mạnh tiêu thụ nội địa, như: kết nối với một số doanh nghiệp và thương lái giúp bà con Chí Linh tiêu thụ gà đồi. Theo chương trình kết nối, tại chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 của thành phố Chí Linh khu vực Cầu Bình, các đơn vị đã đến thu mua gà đồi, gồm: Công ty TNHH chicken P.T huyện Cẩm Giàng và một số thương lái trên địa bàn huyện Bình Giang, Cẩm Giàng, thành phố Hải Dương, với số lượng gia cầm được thu mua gần 10.000 con, giá thu mua tương đương giá thị trường là 43.000 đến 45.000 nghìn đồng/kg.

Đồng thời, yêu cầu hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện ích hạn chế nhập các sản phẩm tươi sống, đông lạnh mà tăng cường thu mua, dự trữ các sản phẩm nông sản của tỉnh; Ưu tiên tiêu thụ nông sản tại chợ và các bếp ăn  công nghiệp, bệnh viện dã chiến, các khu cách ly tập trung, các nhà máy, người dân trên địa bàn...; Tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát hành vi ép giá để trục lợi... Bên cạnh đó, với các sản phẩm có thể sấy khô, ngành chức năng khuyến khích bà con chủ động thu hoạch, bảo quản, đợi khi hết dịch thì tiêu thụ để giảm thiệt hại.

Còn tại Quảng Ninh, tỉnh đã chỉ đạo ngành công thương phối hợp các địa phương bố trí điểm bán hàng nhằm hỗ trợ các đơn vị tiêu thụ sản phẩm, phục vụ nhu cầu mua sắm và tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán cho người dân; đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Người Quảng Ninh ưu tiên sử dụng hàng hóa, dịch vụ được sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh”.

Theo đó, Sở Công thương tỉnh đã phối hợp thị xã Đông Triều kết nối tiêu thụ hơn 17 tấn khoai tây tại các trung tâm thương mại, các chợ trên địa bàn thành phố Hạ Long… Thời gian tới, Sở tiếp tục chủ trì, phối hợp, kết nối tiêu thụ có địa chỉ cho các mặt hàng nông, lâm, thủy sản khác của tỉnh như ngao hai cùi, ngao hoa, hàu, trứng gà…

Đồng thời, tỉnh cũng thực hiện nhiều biện pháp, bảo đảm hàng hóa lưu thông đến được với người tiêu dùng khi thực hiện giãn cách xã hội, tránh tình trạng khan hiếm và tăng giá lương thực, thực phẩm, như chỉ đạo các chốt kiểm soát dịch hỗ trợ, ưu tiên cho các xe vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm đi và đến địa bàn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Ngoài ra, để đẩy mạnh tiêu thụ trong dân, ngành công thương cũng đã thông báo một số các dịch vụ mua sắm trực tuyến online qua website, facebook, điện thoại, zalo phục vụ nhân dân thông qua hệ thống siêu thị như: Vinmart, siêu thị GO, siêu thị MM Megamarket…

Tập trung khống chế dịch Covid-19 lây lan