Thơm ngọt vùng quả Phổ Yên

NDO -

Với thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp, sự lao động cần cù, áp dụng kỹ thuật của người dân và sự hỗ trợ thiết thực của chính quyền địa phương, thị xã Phổ Yên đã tạo dựng được vùng cây ăn quả tập trung, có chất lượng ở tỉnh Thái Nguyên. Nhờ đó, hạ tầng nông thôn được xây dựng khang trang, đời sống người dân ngày càng sung túc.

Vùng nhãn Khe Đù, xã Phúc Thuận, thị xã Phổ Yên.
Vùng nhãn Khe Đù, xã Phúc Thuận, thị xã Phổ Yên.

Trên đường vào xóm Khe Đù, vùng cây ăn quả trọng điểm của xã Phúc Thuận, Bí thư Đảng ủy xã Ôn Văn Huân chia sẻ, chỉ mấy năm trước, đường vào Khe Đù rất khó khăn, nhiều dốc, đá lởm chởm, bà con nỗ lực đổ lớp bê-tông ở giữa đường chỉ rộng 30 - 40cm nên đi lại, vận chuyển nhãn, chuối rất khó khăn.

Năm 2016, được sự hỗ trợ của xã, huyện Phổ Yên (nay là thị xã), nhân dân đối ứng 30%, tuyến đường từ xóm Khe Đù ra trung tâm xã được đổ bê-tông rộng 3m. Sau đó, nhân dân lại đối ứng cùng với thị xã và xã đầu tư mở rộng ra 5m, từ đường trục chính, bà con đầu tư đường bê-tông đến tận sân nhà, vườn cây nên đi lại rất thuận lợi, ô-tô tải ra vào tiêu thụ trái cây dễ dàng.

Khe Đù vốn là vùng đồi núi thấp hoang vu nằm ở sườn đông dãy Tam Đảo. Khoảng 40 năm trước, gần 20 hộ dân ở huyện Khoái Châu (Hưng Yên) lên Khe Đù lập nghiệp, mang theo giống và nghề trồng nhãn. Nhãn hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, sự cần cù, kiến thức của người trồng và hỗ trợ của chính quyền địa phương nên bám rễ, kết trái ngọt, phát triển trở thành vùng quả tập trung ở Khe Đù.

Từ trên đỉnh đèo, nhìn xuống khu vực Khe Đù mênh mông, đồi thấp trùng điệp thấy vùng nhãn rộng lớn lên đến gần 100ha, thấp thoáng những ngôi nhà khang trang bên vườn nhãn trông thật thích mắt. Vào mùa nhãn chín, từ trục chính rẽ vào các đường nhánh được đổ bê-tông sạch đẹp, hai bên đường là những vườn nhãn lúc lửu quả to mọng. Chủ tịch UBND xã Phúc Thuận Đỗ Công Hanh cho biết, chúng tôi đang chủ trương xây dựng Khe Đù trở thành điểm du lịch sinh thái.

Gia đình bác Nguyễn Viết Quỳnh ở xóm Khe Đù có 5ha cây ăn quả, trong đó có 2ha nhãn cho thu hoạch ổn định từ nhiều năm qua. Bác Quỳnh cho biết, nhãn Khe Đù quả to, dòn, ngọt mát nên được người tiêu dùng ưu thích, từ trước đến nay không bao giờ dư thừa, năm nay giá bán bình quân 30 nghìn đồng/kg, đầu vụ giá cao hơn. Bình quân 1ha nhãn mang lại giá trị 200 triệu đồng.

img- 0042.jpg -0
 Dưới tán nhãn, người dân nuôi ong lấy mật.

Mặc dù nhãn mang lại giá trị kinh tế cao, nhưng xã Phúc Thuận và nhân dân xóm Khe Đù xác định, củng cố và phát triển Hợp tác xã cây ăn quả Phúc Hưng, không mở rộng diện tích, những năm tới, tập trung nâng cao chất lượng vùng cây ăn quả, sản xuất theo hướng VietGAP, tăng cường quảng bá, nâng cao giá trị.  

Khe Đù có 95 hộ gia đình, bên cạnh trồng nhãn, người dân còn trồng bưởi đỏ, chuối, cây nào cũng có chất lượng tốt, giá bán khá cao. Những năm gần đây, bên cạnh đầu tư hệ thống đường giao thông nông thôn, thị xã Phổ Yên và chính quyền xã Phúc Thuận xây dựng hệ thống cấp nước tưới cho vùng cây ăn quả, nhà sơ chế nông sản, tem nhãn truy xuất nguồn gốc, quảng bá sản phẩm. Nhờ đó, Khe Đù chỉ còn hai hộ nghèo thuộc diện bảo trợ xã hội, là xóm nông thôn mới kiểu mẫu.

Tương tự như ở Khe Đù, đến nay, bà con nông dân và chính quyền địa phương đã xây dựng được vùng cây ăn quả gồm nhãn, bưởi, chuối ở các xóm Khe Lánh, Khuốn Xóm, Hang Dơi, xóm 6 thuộc xã Phúc Thuận với diện tích 450ha, đều đã cho thu hoạch. Điều đặc biệt, mặc dù nhãn, bưởi, chuối được trồng trên địa bàn xã đều có chất lượng, giá bán tốt, không bao giờ dư thừa, nhưng nhân dân không “chạy” theo việc mở rộng diện tích, mà tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm. Mặc dù là xã miền núi, vùng xa của thị xã Phổ Yên, nhưng từ việc trồng cây ăn quả, đến nay Phúc Thuận chỉ còn 2,45% hộ nghèo, được công nhận là xã nông thôn mới từ năm 2017.  

Bí thư Thị ủy Phổ Yên Bùi Văn Lương cho biết: “Những năm vừa qua, thị xã Phổ Yên đã quy hoạch, có nhiều hình thức đầu tư, hỗ trợ nông dân một cách thiết thực, hiệu quả để phát huy tiềm năng, lợi thế để xây dựng vùng cây ăn quả tập trung ở các xã Phúc Thuận, Minh Đức, Thành Công với diện tích khoảng 1.000ha và cho thu hoạch ổn định. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, mang lại nguồn thu chủ yếu, ổn định cho nông dân”.