Nông sản sang Trung Quốc

Thích ứng “cuộc chơi” mới

NDO -

NDĐT - Trung Quốc là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của nông sản Việt Nam trong thời gian qua. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng XK nông sản sang thị trường này đang có dấu hiệu suy giảm, đòi hỏi doanh nghiệp (DN) phải chủ động thay đổi để thích ứng với “cuộc chơi” mới.

Thanh long là một trong những mặt hàng XK chủ lực sang Trung Quốc.
Thanh long là một trong những mặt hàng XK chủ lực sang Trung Quốc.

Kim ngạch suy giảm
Số liệu thống kê của Bộ Công thương cho thấy, trong bảy tháng đầu năm 2019 kim ngạch XK rau quả sang thị trường Trung Quốc đạt 1,6 tỷ USD, giảm 8,1% so với cùng kỳ năm 2018.

Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy phân tích, những năm gần đây, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ nông, thủy sản của Việt Nam lớn nhất, đặc biệt với rau quả Việt Nam XK, có thể khẳng định Trung Quốc là thị trường trọng yếu. Tuy nhiên, kể từ khi Trung Quốc thực hiện nghiêm các quy định về truy xuất nguồn gốc, yêu cầu sản phẩm phải có mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, khiến XK rau quả của Việt Nam có xu hướng sụt giảm.

Đơn cử, thời điểm tháng 3, tháng 4 vừa qua, dứa tại Lào Cai vào vụ thu hoạch rớt giá mạnh, chỉ còn 1.800-2.000 đồng/kg. Tháng 5, nông dân Lai Châu cũng gặp khó khi tiêu thụ chuối bởi phía hải quan Trung Quốc kiểm tra nghiêm các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc hàng hóa, trong khi người nông dân, cũng như thương lái, doanh nghiệp không đáp ứng được theo đúng quy định. Tương tự, vì chưa XK được chính ngạch nên mặt hàng sầu riêng cũng vướng mắc khi XK sang Trung Quốc.

Rau quả là một trong những mặt hàng XK chủ lực của nước ta, cũng là một trong những mặt hàng đang gặp rất nhiều khó khăn khi XK sang Trung Quốc. Kim ngạch XK tám tháng đầu năm 2019 của mặt hàng này ước đạt 16,6 tỷ USD, đã giảm 7,2% so với cùng kỳ. Trong cơ cấu thị trường XK của nhóm hàng nông thủy sản, Trung Quốc - thị trường quan trọng nhất, đã tăng trưởng chậm lại đáng kể trong thời gian qua.

Nguyên nhân, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) chỉ rõ, từ khoảng giữa năm 2018 đến nay, các cơ quan quản lý phía Trung Quốc đã tăng cường thực hiện quy định về truy xuất nguồn gốc, giám sát kiểm dịch động thực vật và chất lượng hàng hóa nông, thủy sản nhập khẩu. Điều này đã phần nào tác động đến tiến độ xuất khẩu nông, thủy sản của ta sang thị trường Trung Quốc, bên cạnh yếu tố về cung cầu thị trường đối với một số mặt hàng cụ thể như gạo, sắn…

Đơn cử, với mặt hàng gạo, Trung Quốc chiếm 30% tổng sản lượng, cũng như tổng tiêu thụ gạo toàn cầu, là nước sản xuất và tiêu dùng gạo lớn nhất thế giới. Cách đây 10 năm, khối lượng gạo thương mại của Trung Quốc còn rất ít. Do đó, kể từ năm 2013, Trung Quốc nổi lên thành nhà nhập khẩu gạo hàng đầu thế giới. Các nước cung cấp gạo chính cho thị trường Trung Quốc là Việt Nam, Thái-lan và Myanmar, Campuchia. Việt Nam và Thái-lan là hai nhà cung cấp gạo lớn nhất cho Trung Quốc, chiếm hơn 78% tổng trị giá gạo nhập khẩu năm 2018 (theo Worldstopexports).

Tuy nhiên, để chủ động cung cầu mặt hàng này, những năm gần đây, Trung Quốc đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho người trồng lúa, cụ thể là áp dụng giá thu mua tối thiểu đều đặn trong nhiều năm đã khiến sản lượng gạo tăng nhanh. Bên cạnh đó, với sản phẩm nhập khẩu, ngoài nâng cao yêu cầu về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, Ủy ban Thuế quan Quốc Vụ viện Trung Quốc ban hành Thông báo số 33/2018 về việc điều chỉnh thuế nhập khẩu đối với sản phẩm gạo và có hiệu lực kể từ ngày 1-7-2018. Một số dòng sản phẩm trong bộ mã HS 100630 là những dòng sản phẩm bị điều chỉnh thuế nhập khẩu lên đến 50% và gạo nếp chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ động thái điều chỉnh thuế này.

Với trái cây, theo chuyên gia Hoàng Trọng Thủy, XK rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc gặp khó bán do yêu cầu mã số vùng trồng. Cụ thể, trong tất cả trái cây và nông sản XK sang Trung Quốc, phía Trung Quốc yêu cầu phải có mã vùng từ 6-12 ha/trồng một loại cây, và phải được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, không trồng xen các loại cây khác vào. Nhưng hiện, trái cây của Việt Nam gần như chưa có loại nào đạt được 10 ha liền vùng, liền thửa và trồng cùng một loại cây. “Những cây ăn quả, cây lâu năm không thể trong năm một, năm hai có thể giải quyết được, mà ít nhất phải mất thời gian ba năm mới đáp ứng được yêu cầu này”, ông Hoàng Trọng Thủy nhấn mạnh.

Cần nâng cao chất lượng
Trước tình hình xuất khẩu nông thủy sản sang Trung Quốc suy giảm, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến kịp thời những thông tin về quy định của Trung Quốc đối với các mặt hàng nông, thủy sản nhập khẩu tới các địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp XK liên quan. Đồng thời, có những động thái với phía bạn nhằm tháo gỡ khó khăn cho nông sản XK nước ta.

Ông Trần Thanh Hải thông tin, đơn cử, ngay sau khi phía Trung Quốc ban hành thông báo điều chỉnh thuế mặt hàng gạo, Bộ Công thương đã có công hàm gửi Bộ Thương mại Trung Quốc đề nghị xem xét lại việc thực hiện điều chỉnh thuế nhập khẩu sản phẩm gạo này, tạo thuận lợi cho XK gạo nếp của Việt Nam sang Trung Quốc.
Cùng với sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp cũng được khuyến cáo cần thay đổi để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường Trung Quốc. Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, từ đầu năm 2019 đến nay, việc XK các loại quả được Trung Quốc cấp phép nhập khẩu của Việt Nam diễn ra tương đối thuận lợi, có những mặt hàng đang XK khá tốt. Hiện nay, với các loại trái cây của ta đã được Trung Quốc cho phép nhập khẩu, phía Trung Quốc cho phép doanh nghiệp Việt Nam tự làm, tự đánh giá, tự cấp mã số, chứ chưa tiến hành kiểm tra hay làm bất cứ động thái gì khác.

Tuy nhiên, khả năng cao phía Trung Quốc sẽ dần dần nâng yêu cầu lên kèm theo các tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể, thậm chí sang kiểm tra thực tế. Nếu làm không đúng như yêu cầu, tiêu chuẩn thì phía Trung Quốc sẽ cho dừng các mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói không đạt. “Do đó, điều các doanh nghiệp, người dân cần làm là bảo đảm sản xuất an toàn, có mã số vùng trồng, các cơ sở đóng gói cũng sớm đăng ký mã số rồi đăng ký với hải quan Trung Quốc theo quy định để bảo đảm việc thông quan thuận lợi. Đồng thời, tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại, kết nối giao thương kịp thời, hiệu quả”, ông Nguyễn Quý Dương khuyến cáo.

Các doanh nghiệp cũng được khuyến cáo nên tìm hiểu các quy định xuất nhập khẩu của Chính phủ Trung Quốc đối với các hàng hóa mà doanh nghiệp có kế hoạch hợp tác, giao dịch, nhất là những sản phẩm như: thực phẩm, nông sản, thủy sản... vì đây là những sản phẩm chịu sự kiểm soát ngặt nghèo về vấn đề kiểm dịch. Đồng thời, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, xây dựng thương hiệu; cập nhật thông tin về thị trường, chính sách xuất nhập khẩu cũng như những quy định về chất lượng sản phẩm và thị hiếu tiêu dùng của từng địa phương.