Sức sống cây quế Văn Yên

Nằm ở phía bắc tỉnh Yên Bái, huyện Văn Yên có diện tích tự nhiên hơn 139.000 ha (đất lâm nghiệp chiếm 75%), với địa hình đồi núi, có vùng khí hậu phù hợp sự sinh trưởng của cây quế, cho nên vùng quế hình thành từ lâu đời và gắn liền cuộc sống của đồng bào Dao.

Người dân xã Đại Sơn, huyện Văn Yên thu hoạch vỏ quế.
Người dân xã Đại Sơn, huyện Văn Yên thu hoạch vỏ quế.

Ngoài việc duy trì diện tích, sản lượng quế, khai thác phù hợp, huyện có chính sách tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở thu mua quế vỏ, chế biến tinh dầu quế hoạt động, hằng năm trồng mới từ 1.500 đến 1.600 ha quế. Nhờ đó, cây quế có mặt ở cả 27 xã, thị trấn với diện tích hơn 40.000 ha và trở thành vùng chuyên canh quế hàng hóa lớn nhất cả nước...

Làm giàu từ cây quế

Hôm nay, anh Hoàng Văn Thảo cùng người thân lên đồi bóc vỏ quế, bởi đây là thời kỳ chính vụ thu hoạch. Trước khi hạ cây, anh Thảo đã bập vỏ chung quanh gốc trước một tháng, không cho nhựa cây xuống rễ, làm thế để vỏ róc, dễ bóc tách, kinh nghiệm hạ cây nào phải bóc xong cây đó, không để qua đêm được. Những cây quế này đã 30 tuổi, gốc một người ôm không hết, cưa xong hạ đổ xuống, đoạn thân có độ dày của vỏ hơn 1 cm, anh Thảo dùng thước đo đúng 52 cm một khoanh bóc lấy dùng làm quế kẹp số 3, có giá cao nhất là 60.000 đồng/kg. Đoạn phía trên vỏ mỏng hơn thì đo đủ 45 cm, làm quế xô, giá 45.000 đồng/kg. Ước mỗi cây bán tại chân đồi được 15 triệu đồng, chỉ một buổi sáng hạ và bóc kịp ba cây lớn, thu gần 45 triệu đồng, hiệu quả kinh tế không có cây trồng nào ở vùng núi này sánh kịp. Anh Thảo tâm sự: Nhà có 10 ha quế, luân canh thu hoạch hằng năm được 300 triệu đồng.

Năm trước, bóc được 30 tấn vỏ, cộng bán lá và gỗ thân được hơn một tỷ đồng, còn vụ này bóc 100 cây thôi, được 400 triệu đồng, bởi tính bình quân cây trên đồi loại 20 tuổi là ba triệu đồng/một cây. Có tiền làm hai nhà xây hai tầng cho hai con ra ở riêng, cuộc sống đầy đủ, mà môi trường lại trong sạch.

Bí thư Đảng ủy xã Đại Sơn Lê Huy cho biết, thôn Đoàn Kết nơi anh Thảo sinh sống có 200 hộ đều trồng quế, có nhà sở hữu vài chục héc-ta, cả thôn có hơn 70% là nhà xây kiên cố, tiện nghi sinh hoạt đủ đầy. So với các cây lâm nghiệp khác thì quế là cây “vua”, bởi vất vả hai năm đầu vì phải làm cỏ mỗi năm hai lần, sau đó cây tự sinh trưởng, từ năm thứ 5 trở đi đã cho tỉa thưa, lấy cành, lá bán cho thu nhập. Với giá lá quế 1.000 đồng/kg, cành nhỏ khô 5.000 đồng/kg (ép tinh dầu và nghiền làm bột gia vị và hương vị), gỗ quế sau khi bóc bán được từ 1,2 triệu đến 1,8 triệu đồng/khối, cây quế càng để lâu càng có giá, không bị tư thương ép giá. Nhờ cây quế, cho nên tỷ lệ hộ nghèo của xã Đại Sơn giảm từ 40% năm 2015 xuống còn 17,25% năm 2019, diện tích thu hoạch xong thì đến mùa xuân người dân lại trồng mới, vì vậy đến đây chỉ thấy quế và quế điệp trùng, mở ra hướng du lịch khám phá rừng quế gắn với ẩm thực, lễ cúng rừng của đồng bào Dao đỏ.

Ban đầu cây quế được trồng tự phát, khi vợ chồng trẻ ra ở riêng được bố mẹ cho một đồi quế coi như của “hồi môn”, đây là một tập tục tốt đẹp của người Dao nơi này. Nhờ có hướng sản xuất hàng hóa, năm 1960 xã Viễn Sơn đã có hai hợp tác xã nổi tiếng là Công Tâm và Cộng Lực chuyên làm quế, trong đó sáu bản người Dao thuộc Hợp tác xã Cộng Lực được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng Lao động về thành tích phát triển cây quế. Năm 1970, xã Viễn Sơn lại phát động phong trào “Đồi quế nhớ ơn Bác Hồ” để tưởng nhớ Bác và khuyến khích người dân tham gia trồng quế.

Từ phong trào đem lại hiệu quả kinh tế cao, người Dao, người Tày, người H’Mông... ở khắp 27 xã đều nhận đất trồng quế. Diện tích quế cứ lớn dần theo năm tháng, đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số nhờ đó bớt nghèo, bớt khổ. Nhiều nhà thu nhập hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng từ quế. Việc trồng quế trở thành phong trào lớn ở hầu khắp các địa phương trong huyện và lan rộng ra cả tỉnh Yên Bái, hiện diện tích quế của tỉnh gần 80 nghìn ha, góp phần đưa độ che phủ rừng toàn tỉnh đạt hơn 64% và trở thành cây kinh tế chủ lực.

Phát triển vùng quế bền vững

Để phát triển vùng quế ổn định và bền vững, cùng với việc vận động người dân trồng quế theo vùng nguyên liệu tập trung với các giống quế chất lượng cao, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, Văn Yên chú trọng xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu quế, bằng việc xác lập quyền chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm tại các xã vùng cao nhằm bảo tồn nguồn gien tốt. Thực hiện đề án bảo tồn nguồn giống quế lá nhỏ, ngọn đỏ bản địa, huyện lựa chọn 90 cây quế khỏe mạnh, sạch bệnh, đường kính thân hơn 30 cm, chiều cao hơn 15 m thuộc các xã Đại Sơn, Viễn Sơn, Xuân Tầm nhằm bảo tồn nguồn gien. Ngoài ra, còn bảo tồn 14,5 ha tập trung ở các xã Mỏ Vàng, Đại Sơn, Viễn Sơn, Nà Hẩu để làm nguồn giống cung ứng cho việc trồng quế hằng năm và phục vụ du lịch sinh thái. Tháng 1- 2010, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) có quyết định chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quế Văn Yên.

Ông Trần Văn Bàng, thôn Đoàn Kết, xã Xuân Ái có đồi quế gần 5 ha hơn 10 tuổi, trước đây gia đình và các hộ trong thôn thi thoảng phun thuốc trừ cỏ, bón phân khi quế còn nhỏ để cây phát triển nhanh, nhưng hiện tại đã ý thức được tác hại của thuốc trừ sâu, cho nên nhà nào cũng tự sắm một máy phát cỏ. Kế bên, với diện tích 20 ha quế, từ 3 đến 20 tuổi của gia đình anh Phạm Văn Bắc, thôn Đoàn Kết đã từ lâu không sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón. Anh Bắc cho biết, do đất ở đây tốt cho nên mỗi khi trồng quế chỉ việc phát sạch cỏ rồi đốt, sau đó trồng quế, cây quế cứ thế mà phát triển, một năm chỉ cần phát hai lần cỏ. Đối với quá trình khai thác, sau khi bóc quế từ trên đồi về thì phải phơi trên giàn cao hoặc sân sạch, không gần những khu vực có phân hóa học, thuốc hóa học, thuốc trừ sâu. Việc sản xuất quế an toàn, hữu cơ sẽ có giá bán ổn định và cao hơn một đến hai giá so với quế thường.

Chủ tịch UBND xã Xuân Ái Nguyễn Văn Thức cho biết, để nâng cao giá trị thương hiệu và phát triển bền vững, xã tiếp tục tuyên truyền bà con thay đổi thói quen chăm sóc cây quế bằng phun thuốc cỏ, bón phân sang phát cỏ bằng máy và không bón phân các loại, hướng đến xây dựng vùng sản xuất quế an toàn. Cùng với đó, xã phối hợp các doanh nghiệp, công ty uy tín như Olam Việt Nam, Công ty Sơn Hà, Vicimex… tổ chức ký hợp đồng với người dân thực hiện xây dựng vùng sản xuất quế đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Với khí hậu và đất đai phù hợp cây quế sinh trưởng và phát triển tốt, đặc biệt hàm lượng tinh dầu cao cho nên Cục Sở hữu trí tuệ và Cục Sở hữu trí tuệ Thái-lan cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý quế Văn Yên.

Theo đánh giá của Chủ tịch UBND huyện Văn Yên Vũ Quang Hải: Mỗi năm, Văn Yên thu hoạch khoảng 10.000 tấn vỏ tươi, xuất ra thị trường khoảng 6.000 tấn vỏ quế khô các loại, sản lượng cành lá quế khoảng 65.000 tấn/năm, sản lượng tinh dầu khoảng 300 tấn/năm, sản lượng gỗ quế gần 65.000 m3/năm. Hiện với gần 200 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, chế biến, chiết xuất tinh dầu, đồ thủ công mỹ nghệ (sản phẩm là quế kẹp số 3, quế chẻ, quế khâu, quế bào ống điếu, quế khúc, quế thuốc lá, bột…); tiền bán hạt giống, quế con giống với giá bình quân 700 đồng/cây, tạo nguồn thu cho người dân mỗi năm hơn 500 tỷ đồng. Nhờ hướng đi đúng, cây quế đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo đà cho việc thực hiện thành công quá trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 ở Văn Yên.