Sản xuất mía đường còn nhiều vướng mắc

Nghề trồng mía làm đường ở nước ta đã có từ lâu đời, nhưng sản xuất không ổn định và tăng trưởng chậm, không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước, cho nên hằng năm Nhà nước vẫn phải nhập khẩu hàng chục nghìn tấn đường. Trước tình hình đó, năm 1995, Chính phủ đã thông qua Chương trình sản xuất một triệu tấn đường. Nhờ vậy, ngành mía đường đã phát triển với tốc độ rất nhanh, diện tích mía lên tới 300 nghìn ha (tăng 34% so với năm 1995); năng suất mía từ 42,8 tạ/ha đã tăng lên 53,9 tạ/ha. Sản xuất đường niên vụ 2003-2004 đạt 1,21 triệu tấn (trong đó chế biến công nghiệp đạt 1,06 triệu tấn); niên vụ 2004-2005 ước đạt 1,05 triệu tấn (chế biến công nghiệp đạt 0,9 triệu tấn). Trong ba năm trở lại đây, mặc dù năng suất mía có tăng, nhưng do diện tích giảm, cho nên tổng sản lượng mía cây và lượng đường sản xuất công nghiệp đều giảm.

Ðể ổn định ngành mía đường, việc duy trì và phát triển vùng nguyên liệu là một trong những vấn đề trọng tâm, cần giải quyết; nhưng để có vùng nguyên liệu ổn định thì việc tăng năng suất mía sẽ nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần ổn định vùng nguyên liệu lâu dài. Trong khi đó, các ngành chức năng chưa xác định được hệ thống, mạng lưới cung cấp giống mía thích hợp cho các vùng sản xuất, chưa có cơ chế phối hợp giữa công tác khuyến nông xây dựng mô hình trình diễn. Mặt khác, nhà máy chưa có chính sách thu mua nguyên liệu hợp lý để khuyến khích người dân đầu tư thay đổi giống. Việc sử dụng giống mới chưa đồng bộ với chế độ đầu tư thâm canh và các biện pháp kỹ thuật, cho nên chưa phát huy được ưu thế của giống mới. Hơn nữa, địa chỉ tiêu thụ không rõ, mía cây có thể bán cho các nhà máy hay lò thủ công đều được. Nhiều đơn vị mua mía xô, không tính trữ đường, không tạo được động lực thúc đẩy việc thay giống mới.

Muốn ổn định và phát triển vùng mía nguyên liệu cung cấp cho chế biến công nghiệp, các địa phương có nhà máy đường cần phối hợp chặt chẽ cùng các nhà máy rà soát, quy hoạch lại vùng nguyên liệu, bố trí đủ đất trồng mía, phát triển vùng nguyên liệu theo quy hoạch đã được phê duyệt. Bên cạnh đó cần tiếp tục rà soát, sắp xếp lại các nhà máy, bảo đảm những nhà máy đủ nguyên liệu cho tiếp tục hoạt động, những nhà máy không khắc phục được tình trạng thiếu nguyên liệu thì kiên quyết xử lý theo phương án đóng cửa, bán khoán.

Các nhà máy cũng cần phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng chính sách cho người trồng mía: Hỗ trợ vốn đầu tư cho trồng mới để mở rộng vùng nguyên liệu; ứng trước giống, vật tư sản xuất; cho vay vốn với lãi suất ưu đãi để người trồng mía có khả năng đầu tư thâm canh mía; trợ cước vận chuyển cho những vùng sâu, vùng xa; gắn lợi ích của người trồng mía với lợi nhuận của nhà máy đường để người trồng mía có thể "chung thủy" với nhà máy. Mặt khác, tiếp tục hoàn chỉnh dự án phát triển vùng nguyên liệu tập trung, trong đó đặc biệt quan tâm phát triển kết cấu hạ tầng (đường giao thông, thủy lợi...). Nghiên cứu, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới như sử dụng phân bón lá, dùng màng phủ ni-lông chống ẩm, áp dụng phòng trừ tổng hợp đối với sâu, bệnh hại mía. Tổ chức chuyển giao, đào tạo nâng cao tay nghề cho người trồng mía. Các nhà máy cần củng cố và xây dựng bộ phận nông vụ đủ mạnh làm công tác tổ chức sản xuất, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, đầu tư và thu mua nguyên liệu; có chính sách hợp lý để cán bộ nông vụ gắn bó với cơ sở sản xuất, bám sát địa bàn, gắn thu nhập với kết quả sản xuất, thu mua mía của nhà máy.

CỤC NÔNG NGHIỆP
(Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)